1. Nâng cấp hệ điều hành
Việc cập nhật hệ điều hành cho phép người dùng có thể trải nghiệm các tính năng mới, cải thiện hiệu suất thiết bị. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng khi bạn đang sử dụng các mẫu điện thoại mới hoặc cập nhật để vá lỗi, đối với các thiết bị cũ (có tuổi đời hơn 2-3 năm), người dùng không nên cập nhật.
Tương tự, phiên bản mới của các ứng dụng sẽ yêu cầu phần cứng cao hơn, do đó nếu đang sử dụng điện thoại quá cũ, bạn không nên cập nhật ứng dụng (ngoại trừ trường hợp không thể sử dụng được nữa).
Cập nhật hệ điều hành chỉ hữu ích đối với các dòng máy đời mới. Ảnh: Internet
2. Ứng dụng đang chạy trên nền
Không giống như iOS, các thiết bị Android thường không được tối ưu về khả năng đa nhiệm, do đó nếu có quá nhiều ứng dụng chạy nền, dung lượng RAM sẽ bị chiếm dụng, khiến hiệu suất tổng thể bị giảm đi.
Trong trường hợp này, người dùng chỉ cần tắt bớt các ứng dụng không sử dụng (đang chạy trong nền), đồng thời truy cập vào phần Settings (cài đặt) - Apps (ứng dụng), chọn các ứng dụng được cài sẵn trên điện thoại hoặc các ứng dụng không sử dụng và nhấn Disable để vô hiệu hóa.
Lưu ý, tên và vị trí các tùy chọn sẽ khác nhau tùy vào thiết bị bạn đang sử dụng.
3. Bộ nhớ đầy
Khi bộ nhớ trong bị đầy, thiết bị sẽ không phản hồi lại thao tác của người dùng, một số chức năng trên điện thoại sẽ không thể sử dụng... vì không còn chỗ trống để lưu trữ các tập tin tạm.
Lúc này, bạn hãy vào phần Settings (cài đặt) - Apps (ứng dụng), chọn các ứng dụng chiếm nhiều dung lượng và nhấn Clear cache (xóa bộ nhớ cache) và Clear data (xóa dữ liệu). Trong trường hợp không sử dụng ứng dụng đó thường xuyên, người dùng nên chọn Uninstall để gỡ bỏ. Lưu ý, tên và vị trí các tùy chọn sẽ khác nhau tùy vào thiết bị bạn đang sử dụng.
Điện thoại bị đầy bộ nhớ sẽ không thể hoạt động ổn định. Ảnh: MINH HOÀNG
4. Bloatware
Thuật ngữ Bloatware dùng để chỉ các ứng dụng được nhà sản xuất tích hợp sẵn trên điện thoại, đa số thường không có nhiều chức năng, tuy nhiên người dùng lại không thể gỡ bỏ theo cách thông thường.
Trong trường hợp muốn gỡ bỏ các ứng dụng được cài sẵn trên điện thoại, bạn có thể tham khảo bài viết Cách gỡ bỏ tận gốc các ứng dụng cứng đầu tại địa chỉ https://kynguyenso.plo.vn/ky-nguyen-so/tuyet-chieu/cach-go-bo-tan-goc-cac-ung-dung-cung-dau-771514.html.
Bloatware thường chiếm dụng nhiều bộ nhớ điện thoại. Ảnh: Internet
5. Launcher
Launcher cho phép bạn thay đổi gần như toàn bộ giao diện điện thoại, từ hình nền, biểu tượng ứng dụng cho đến cách hiển thị. Tuy nhiên, đối với các thiết bị đã cũ, người dùng không nên sử dụng Launcher để tránh ảnh hưởng đến hiệu suất điện thoại.
Tương tự, các ứng dụng được quảng cáo giúp tối ưu hóa pin điện thoại gần như không có tác dụng gì nhiều ngoài việc tắt các ứng dụng chạy nền. Thông thường tính năng này đã được nhà sản xuất tích hợp sẵn trên điện thoại, do đó bạn không cần cài đặt thêm các ứng dụng của bên thứ ba.
Launcher cho phép người dùng thay đổi giao diện điện thoại. Ảnh: Internet