Hơn 240 ứng dụng đánh cắp mật khẩu Facebook và tiền điện tử
Sau khi nhận được cảnh cáo của Trend Micro, Google đã xóa hơn 240 ứng dụng độc hại khỏi Google Play. Mặc dù vậy, công ty bảo mật không cung cấp danh sách đầy đủ tên các ứng dụng có chứa phần mềm gián điệp Facestealer, ngoại trừ 7 ứng dụng dưới đây:
- Daily Fitness OL
- Enjoy Photo Editor
- Panorama Camera
- Photo Gaming Puzzle
- Swarm Photo
- Business Meta Manager
- Cryptomining Farm Your own Coin
Để gỡ cài đặt các ứng dụng độc hại, bạn hãy truy cập vào Settings (cài đặt) - Apps (ứng dụng) - Manage apps (quản lý ứng dụng), sau đó nhấn Uninstall để gỡ bỏ.
Ngoài ra, người dùng cũng nên kích hoạt tính năng Play Protect bằng cách mở ứng dụng Google Play, bấm vào ảnh đại diện ở góc trên và chọn Play Protect.
Trong cửa sổ tiếp theo, người dùng chỉ cần bấm vào biểu tượng cài đặt ở góc phải và kích hoạt 2 tùy chọn Scan device for security threats (quét thiết bị để biết các mối đe dọa bảo mật) và Improve harmful app detection (cải thiện phát hiện ứng dụng độc hại).
Kích hoạt tính năng Play Protect trên Google Play. Ảnh: TIỂU MINH |
Để đảm bảo an toàn, bạn nên thay đổi mật khẩu Facebook và các thông tin đăng nhập khác trên điện thoại.
Nhiều ứng dụng có chứa phần mềm gián điệp Facestealer đã được tải xuống hơn 100.000 lần, chủ yếu là các ứng dụng VPN, camera, chỉnh sửa hình ảnh… và trò chơi.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu còn phát hiện 40 ứng dụng được thiết kế để đánh cắp tiền điện tử.
Các loại ứng dụng bị nhiễm phần mềm gián điệp Facestealer. Ảnh: Trend Micro |
Trước đó không lâu, công ty bảo mật Cybernews cũng phát hiện nhiều ứng dụng chống virus trên Android có chứa trình theo dõi, và liên kết với các trang web độc hại tiềm ẩn.
Nếu không chắc chắn về những ứng dụng bạn tải xuống hoặc các liên kết bạn nhấp vào, bạn có thể cài đặt phần mềm diệt virus để ngăn chặn các hoạt động đáng ngờ ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, giống như bất kỳ ứng dụng nào khác, phần mềm diệt virus cũng sẽ tiêu thụ tài nguyên và ngốn pin của điện thoại.
Bên cạnh đó, không phải mọi phần mềm diệt virus đều hoạt động đúng như quảng cáo.
Vào năm 2019, một cuộc khảo sát của AV-Comparatives cho thấy có khá nhiều phần mềm diệt virus không phát hiện được phần mềm độc hại trên điện thoại. Các phần mềm này chỉ hiển thị một thanh tiến trình quét virus, nhưng thực chất chúng không có tác dụng.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra 40 ứng dụng chống virus và dọn dẹp điện thoại được xếp hạng cao nhất trên Google Play, tất cả đã được tải xuống hơn 918 triệu lần.
Kết quả cho thấy chỉ có 2 trong số các ứng dụng không chứa bất kỳ trình theo dõi nào, trong khi có đến 6 ứng dụng chứa các liên kết độc hại tiềm ẩn.
Dù số lượng các phần mềm độc hại trên Google Play chưa có dấu hiệu giảm, tuy nhiên, những chính sách mới của Google cho thấy công ty đang ngày càng quan tâm đến quyền riêng tư của người dùng và giảm lượng dữ liệu thu thập.
Cẩn trọng khi cài đặt ứng dụng bên ngoài Google Play. Ảnh: TIỂU MINH |
4 cách giúp bạn an toàn khi sử dụng điện thoại
- Không tải xuống ứng dụng từ cửa hàng của bên thứ ba, hoặc cài đặt phần mềm crack.
- Xem xét kỹ lưỡng quyền hạn của ứng dụng khi chúng yêu cầu.
- Hạn chế nhấp vào các liên kết được đính kèm trong email hoặc tin nhắn, kể cả khi chúng được gửi từ bạn bè, người thân... Để đảm bảo an toàn, bạn nên sử dụng các dịch vụ VirusTotal để kiểm tra liên kết trước khi nhấp vào.
- Thường xuyên cập nhật các bản vá bản mật (nếu có).