Những bài viết khiếu nại lừa đảo qua mạng của các thành viên.
Đầu tiên phải kể đến chiêu lừa “xưa như Trái đất”: người mua chuyển tiền vào tài khoản nhưng chủ hàng không gửi đồ và “mất tích” luôn. Bạn luyenpham khiếu nại Ban quản trị muare.vn, nhờ tìm thông tin của Loveshopping888:“Bạn ấy chủ động liên lạc điện thoại với em từ số điện thoại 01229200427. Sau khi mặc cả bạn ấy để hàng cho em với giá 800USD và bảo em chuyển khoản trước 50%. Nhưng chuyển khoản xong, em gọi thì tắt máy luôn”.
Lừa đảo chuyển khoản còn biến tướng tinh vi hơn với kiểu “mạo danh 2 lần”. Kẻ lừa đảo lập trang bán hàng mạo danh một shop có thật, dùng hình ảnh, số tài khoản của shop thật nhưng thông tin liên lạc của mình. Khi người mua liên hệ và chuyển tiền xong, lập tức kẻ gian đến shop thật và mạo danh là khách hàng đã chuyển khoản, lấy hàng và “lặn” mất. “Kẻ mạo danh có hàng, shop thật có tiền, chỉ khách mua thật sự là bị thiệt. Các website mua bán chuyên nghiệp và uy tín có bước xác thực tài khoản nên hạn chế được tình trạng này. Còn mua bán qua diễn đàn thì người mua phải thận trọng”, anh Nguyễn Ngọc Điệp, Giám đốc của Vatgia.com cho biết.
Trường hợp phổ biến không kém là người mua chuyển khoản xong, nhận được hàng nhưng là hàng giả, kém chất lượng... Chị Chi, một nhân viên văn phòng ở Q.7, TP.HCM bức xúc kể lại trên diễn đàn lamchame: “Mình bị lừa khi mua quần áo của một shop ngoài Hà Nội. Chất liệu rất xấu, màu sắc không giống ảnh trên web, không có nhãn mác. Chắc chỉ đáng 1/4 số tiền mình bỏ ra”. Tương tự, cộng đồng webtretho từng xôn xao vụ hàng loạt thành viên khiếu nại nick hutieuxao, hutieumi, jinnyche do bán nước hoa, mỹ phẩm hàng nhái và hết hạn, chiếm đoạt hàng chục triệu đồng. Một hình thức lừa khác là dựa vào comment (bình luận) của người mua trong trang của người bán, kẻ lừa đảo giả danh là người bán chủ động nhắn tin hoặc chat với người có nhu cầu, nói đang cần bán gấp, sẽ giảm giá… và đề nghị họ chuyển tiền. Không ít trường hợp chuyển khoản ngay cho kẻ lừa đảo và ung dung đợi. Đến khi không nhận được hàng, liên lạc với chủ hàng thật mới biết có kẻ lợi dụng việc hỏi đồ để lừa đảo.
Ngoài giao dịch từ xa, kể cả khi xem hàng trên mạng rồi mua bán trực tiếp, người mua vẫn bị lừa. Đặc biệt với hàng điện tử xem qua sẽ không thấy vấn đề gì nhưng mang về dùng mới phát hiện máy lỗi. Khi đó, không thể tìm được kẻ lừa đảo để bắt đền hoặc cá nhân lừa đảo vẫn ngang nhiên bán hàng, không chịu trách nhiệm và đổ cho người mua là tự làm hỏng. Vụ việc đình đám trên nhiều diễn đàn là một cặp vợ chồng ở ngõ 105 Hồ Tùng Mậu đã dùng hàng chục số điện thoại, hàng chục nick khác nhau để rao bán các loại điện thoại "thượng vàng hạ cám" đều là hàng đểu.
Tuy nhiên, anh Điệp cho rằng, vấn nạn trên sẽ là cơ hội để những website thương mại điện tử có biện pháp bảo vệ người mua. Những chiêu lừa đảo đều được Vatgia “bịt” thông qua việc khuyến khích khách hàng thanh toán an toàn qua cổng thanh toán điện tử baokim.vn và gian hàng đảm bảo (những gian hàng đã được ký hợp đồng, kiểm tra kỹ lưỡng và được Vatgia đền bù khi có sự cố).
Điều đáng nói là mặc dù các hình thức lừa đảo trên diễn đàn và trang rao vặt khá phổ biến nhưng sau 2 tuần, phóng viên báo BĐVN vẫn chưa nhận được câu trả lời từ đại diện phòng Thương mại điện tử Công ty VC Corp (đơn vị sở hữu các trang muare.vn, enbac.com, rongbay.com…).
Theo Nhóm PV (ICTnews)