AUDIO BÀI VIẾT
Không giống như 10 năm về trước, cái thời mà công nghệ lạc hậu và tốc độ Internet tại Việt Nam còn chậm chạp. Giờ đây, chỉ cần một chiếc smartphone có kết nối mạng (WiFi hoặc 3/4G), người dùng sẽ tiếp cận được cả “rừng” thông tin với đủ thể loại. Do đó nếu không biết cách chọn lựa, bạn sẽ rất dễ trở thành nạn nhân của các trò lừa đảo.
Để tạo lòng tin nơi người dùng, kẻ gian sẽ tạo các fanpage có tên giống với những thương hiệu, cửa hàng lớn, sau đó đăng tải bài viết, bán sản phẩm giá rẻ để dụ người dùng dính bẫy.
Đơn cử như dạo gần đây trên Facebook liên tục xuất hiện các fanpage giả mạo, đăng bán tai nghe không dây Airpods và Apple Watch với giá chỉ vài trăm ngàn, trong khi thực tế giá sản phẩm chính hãng lên tới vài triệu đồng.
Một fanpage bán Apple Watch giả mạo với giá chỉ vài trăm ngàn cùng hàng ngàn bình luận “mồi” để dụ người dùng. Ảnh: TIỂU MINH
Việc các fanpage giả mạo sử dụng hình ảnh, logo của các thương hiệu, cửa hàng lớn có thể khiến nhiều người bị lầm tưởng và mua nhầm hàng giả.
Anh Nguyễn Đạt, chủ một chuỗi cửa hàng di động cho biết, thời buổi kinh doanh online đang nở rộ là cơ hội cho nhiều kẻ lừa đảo lạm dụng để trục lợi từ người tiêu dùng. Do đó, người dùng nên thận trọng hơn khi mua hàng online trên Facebook, xem xét thật kĩ trang bán hàng, nguồn gốc sản phẩm, chế độ hậu mãi… Bởi lẽ nếu mua nhầm phải hàng giả, bạn sẽ không nhận được các chương trình khuyến mãi và chế độ chăm sóc khách hàng.
Với hơn 60 triệu tài khoản Facebook, Việt Nam hiện đang đứng thứ 7 thế giới về số lượng người tham gia mạng xã hội này. Lời khuyên của các chuyên gia bảo mật là càng cung cấp càng ít thông tin càng tốt. Đồng thời chỉ nên để các thông tin cá nhân ngày sinh, số điện thoại, địa chỉ email, địa chỉ nhà, cơ quan… ở chế độ Only me (riêng mình tôi) hoặc Friends (bạn bè).
Có thể thấy, tình trạng lừa đảo online đang ngày càng nở rộ và biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau. Cụ thể, nhiều người dùng mới đây đã phản ánh về việc họ nhận được tin nhắn thông báo trúng thưởng xe SH trên Shopee dù không tham gia bất kì chương trình bốc thăm nào.
Một trang web trúng thưởng giả mạo yêu cầu người dùng cung cấp nhiều thông tin cá nhân nhạy cảm. Ảnh: TIỂU MINH
Theo đó, kẻ gian sẽ gửi tin nhắn đến hộp thư của người dùng Shopee và yêu cầu họ truy cập vào trang web idgiainhat09.xxx, điền các thông tin cá nhân như họ tên, ngày sinh, địa chỉ, giới tính, số CMND (căn cước), số tài khoản ngân hàng, tên chủ thẻ và chi nhánh, điện thoại, nghề nghiệp… để làm hồ sơ nhận thưởng.
Sau đó, kẻ gian sẽ yêu cầu bạn nạp 3 triệu vào tài khoản (dưới dạng thẻ cào điện thoại) để hoàn tất thủ tục. Không khó để nhận ra đây chỉ là các chiêu trò lừa đảo nhằm lấy cắp thông tin cá nhân và chiếm đoạt tài sản. Nhiều hình ảnh trao giải thưởng, giấy chứng nhận… được cung cấp trên trang này đều được chỉnh sửa rất sơ sài và cẩu thả. Tuy nhiên, vẫn có không ít người nhẹ dạ và mắc bẫy của kẻ gian.
Lừa người dùng nạp thẻ cào 3 triệu để hoàn tất hồ sơ nhận thưởng. Ảnh: TIỂU MINH
Có thể thấy, việc vô tư cung cấp các thông tin mang tính riêng tư có thể khiến bạn gặp rất nhiều rắc rối trong tương lai. Đơn cử như kẻ gian sẽ biết được địa chỉ, số điện thoại và lập đơn hàng giả giao đến nhà của bạn nhằm lừa tiền, hoặc bán lại những thông tin này cho các bên thứ ba để họ quảng cáo nhắm mục tiêu.
Các chuyên gia của Trend Micro ước tính có đến hàng trăm kỹ thuật ăn cắp dữ liệu, thậm chí, có cả một hệ sinh thái tội phạm mạng rộng lớn trên Dark Web.
Tại các trang Dark Web, có cả một đường dây mua bán dữ liệu người dùng và gồm nhiều công cụ trộm cắp thông tin, bao gồm nhiều gói dịch vụ phạm tội trên mạng khác. Theo nhiều thông tin Trend Micro có được, nền kinh tế chợ đen này đang ngày càng tăng giá trị lên đến 1,5 triệu USD mỗi năm.