Chia sẻ với PLO, Tập đoàn Viettel cho biết đã triển khai thử nghiệm thành công Mobile-Money cho 40.000 khách hàng nội bộ, và ngay sau khi được cấp phép doanh nghiệp này sẽ sẵn sàng cung cấp dịch vụ tới 100% khách hàng Viettel.
Theo đó, tập đoàn Viettel đã xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng triển khai Tiền di động (Mobile-Money), đặt vấn đề bảo mật thông tin được đặt lên hàng đầu. Cụ thể, Viettel áp dụng công nghệ bảo mật thông tin ở mức độ cao nhất, trong đó có công nghệ tự động nhận diện giao dịch, thuê bao bất thường để bảo vệ quyền lợi người sử dụng. Trước đó, Viettel đã xây dựng đội ngũ quản trị rủi ro, theo dõi 24/24 giờ về chất lượng sản phẩm, để khách hàng không gặp rủi ro khi giao dịch.
Các doanh nghiệp viễn thông đã sẵn sàng cung cấp dịch vụ Moblie-Money tới hàng triệu người dùng trên cả nước. Ảnh: TH
Ông Phạm Trung Kiên, Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel (Tập đoàn Viettel) bày tỏ: "Với mạng lưới viễn thông phủ sóng toàn quốc, Viettel có năng lực đưa tiền di động tiếp cận đến cấp xã, phường, thị trấn và hiện đã phủ rộng số lượng điểm giao dịch chấp nhận thanh toán bằng ứng dụng này trên toàn quốc. Chúng tôi đặt mục tiêu ở đâu có sóng viễn thông, tại đó sẽ được triển khai các dịch vụ số và tiền di động”.
Dịch vụ Mobile-Money của Viettel sẽ thúc đẩy thanh toán không tiền mặt mà không cần đến các hình thức ví hay tài khoản ngân hàng. Khách hàng có thể sử dụng dịch vụ Mobile-Money để thực hiện các giao dịch tài chính một cách dễ dàng bằng cả thiết bị thông minh hoặc điện thoại 2G dù không có tài khoản ngân hàng.
“Đây là mục tiêu hoàn toàn khả thi bởi trước khi Mobile-Money được thử nghiệm tại Việt Nam, Viettel đã có kinh nghiệm triển khai thương mại tại 6/10 thị trường, do đó về cách thức vận hành, chi phí, nhân lực đều đã được Viettel tính toán kĩ lưỡng. Cuối năm 2020, đầu năm 2021, hơn 40.000 nhân viên Viettel trên cả nước đã tham gia thử nghiệm sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán, chuyển tiền thay cho các giao dịch tiền lẻ”-đại diện Viettel thông tin
Phía Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng cho hay đã sẵn sàng thực hiện các thủ tục nộp hồ sơ xin cấp phép để cung cấp dịch vụ này ra thị trường. Hiện VNPT sẵn sàng về công nghệ, hạ tầng, mạng mạng lưới kinh doanh để triển khai dịch vụ.
Đơn vị này cho biết, với thế mạnh của nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam, VNPT sẵn sàng chuyển đổi thành các điểm giao dịch mobile money đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng cho dù là ở các khu vực như vùng sâu vùng xa, miền núi hải đảo - những khu vực trước tiên của mobile money.
“Với mobile money, khách hàng của VNPT có thể thực hiện mọi giao dịch thanh toán ngay trên di động với máy điện thoại thông minh hoặc những máy điện thoại chỉ có chức năng gọi điện, nhắn tin”-đại diện VNPT cho biết.
Trong khi đó, nhà mạng MobiFone vừa được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, nên nhà mạng này cũng đủ điều kiện tham gia cung cấp dịch vụ Mobile-Money tại VN. Theo đó, các dịch vụ trung gian thanh toán của MobiFone được cấp phép bao gồm: dịch vụ cổng thanh toán điện tử, dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ, dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử và dịch vụ Ví điện tử. Việc có giấy phép trung gian thanh toán là điều kiện để Tổng công ty Viễn thông MobiFone tham gia cung cấp dịch vụ Mobile Money ngay sau khi Chính phủ cho phép thực hiện.
Đại diện MobiFone cho biết: “MobiFone đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng nộp hồ sơ cho dịch vụ Mobile Money để có thể bắt tay vào triển khai Mobile Money trong thời gian sớm nhất, tận dụng cơ hội và thời gian ngay khi được Chính phủ cấp phép chính thức để nhanh chóng bước chân vào lĩnh vực đầy hứa hẹn này".
Theo quyết định của Thủ tướng, người dùng dịch vụ này có thể nạp, rút tiền mặt trực tiếp tại các điểm kinh doanh được cấp phép hoặc từ tài khoản thanh toán tại ngân hàng, hay từ ví điện tử của khách ahfng tại chính doanh nghiệp cung cấp thí điểm dịch vụ. Tuy nhiên việc thanh toán này chỉ áp dụng đối với giao dịch nội địa hợp pháp bằng đồng VN, không được thực hiện thanh toán, chuyển tiền cho các hàng hóa, dịch vụ cung cấp xuyên biên giới.
Giới chuyên gia tin rằng, dịch vụ Mobile Money sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thanh toán không tiền mặt mà không cần đến các hình thức ví điện tử hay tài khoản ngân hàng, điều mà người dân tại các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo gặp trở ngại.