ông Lê Hồng Minh - CEO VNG
1 - 2 năm trước Facebook là sản phẩm ai cũng ưa thích, bây giờ thì họ chịu rất nhiều áp lực cả về chính trị lẫn mô hình kinh doanh của họ. Lí do chúng tôi tự tin đó là vì sẽ rất khó để Facebook có thể giải quyết được vấn đề định vị giá trị cốt lõi cho sản phẩm của họ. Họ cố gắng trở thành tất cả mọi thứ và đấy chính là vấn đề. Google thì khác vì lõi giá trị của Google luôn là tìm kiếm thôi. Nhiều năm qua Google chỉ tập trung cải tiến cải tiến và cải tiến sản phẩm cốt lõi của họ. Còn với Facebook thì, khi họ mới ra mắt tính năng Bảng tin – newsfeed thì thực ra nó cũng không phải là sáng tạo. Cái quan trọng là giữ được giá trị cốt lõi và trao nó cho người dùng. Thế bây giờ Facebook là gì đối với các bạn? Hiện giờ chúng ta phụ thuộc vào FB để chúng ta tiêu thụ truyền thông, nó như thói quen trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng nghiên cứu cho thấy nếu chúng ta bỏ dùng Facebook trong 1 tháng thì chúng ta sẽ hạnh phúc hơn. Đó chính là giá trị của sản phẩm đối với người dùng.
Ngoài sự tồn tại của các doanh nghiệp công nghệ, theo ông Minh thì Internet Việt Nam đang chuyển dịch từ không gian online sang không gian vật lý (không gian thật). Nếu chúng ta nhìn vào các công ty lớn trên thế giới, trừ Amzon, thì Google, Facebook, các công ty game,… đều có các sản phẩm ban đầu là online, mô hình kinh doanh kiếm tiền bằng quảng cáo trên các nền tảng của mình mà thôi.
Và trong vòng 5 năm trở lại đây, có rất nhiều các công ty bước ra thế giới thật, như Grab, Uber, Airbnb, và rất nhiều công ty thương mại điện tử,… họ chuyển dịch dần từ không gian online sang môi trường thực tế. Tôi nghĩ đây chính là cơ hội và xu hướng công nghệ, internet sẽ dịch chuyển ở Việt Nam trong vòng 3-5 năm tới.
Trong lĩnh vực giao thông vận tải, cái mà Grab đang giải quyết cho thị trường hiện nay mới chỉ đáp ứng được 1-2% nhu cầu giao thông vận tải của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Chúng ta vẫn còn nhiều lĩnh vực chưa khai phá: ăn uống, thực phẩm, tài chính, chăm sóc sức khỏe. Công nghệ sẽ chạm đến tất cả khía cạnh của cuộc sống. Amazon không thể trở thành công ty ngàn tỷ đô nếu họ chỉ kinh doanh trực tuyến. Và hiện tại, họ đang thử nghiệm rất nhiều mô hình mới như các cửa hàng tiện lợi Shop and Go.
VNG có thể am hiểu về online, nhưng thế giới offline lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Chúng tôi hiểu việc quản lý hàng trăm ngàn tài xế không hề đơn giản. Vấn đề lớn nhất là khác biệt về kỹ năng, công nghệ để quản lý.
Hiện nay chúng tôi làm tốt về phần mềm, về nội dung nhưng logistics, dịch vụ tài chính, y tế, bảo hiểm... là những kiến thức chuyên môn phải học hỏi rất nhiều. Để tham gia vào những lĩnh vực này, bạn cần phải có chuyên môn, thêm nữa là rất nhiều nguồn lực vì chúng ta đang nói đến thế giới thực.
Nhưng ở đâu khó thì ở đó có cơ hội, thậm chí rất nhiều cơ hội. Hiện tại chúng tôi đang tập trung vào dịch vụ thanh toán, và gần đây là ra mắt dịch vụ đám mây của VNG, nhắm tới bài toán hạ tầng. Không có hạ tầng đủ mạnh thì chúng ta không thể phát triển hệ sinh thái dịch vụ rộng khắp được. Ngoài ra, chúng tôi đang làm một số dự án nhỏ về công nghệ rất thú vị mà chúng tôi có thể chia sẻ tại đây. Khoảng 4 tháng trước, tôi có đọc báo và thấy rằng TPHCM đang rất vất vả trong việc triển khai vé xe bus điện tử. Tôi muốn biết vấn đề gặp phải là gì nên đã gặp gỡ cơ quan quản lí, thật ra từ trước tới giờ chúng tôi chưa làm ở mảng giao thông nhưng chúng tôi quyết định là sẽ thử. Và cách đây vài ngày chúng tôi vừa phối hợp cùng Thành phố triển khai thí điểm thanh toán điện tử và vé điện tử trên 1 số tuyến xe buýt công cộng trong TPHCM. Nhóm dự án bao gồm các bạn rất trẻ, khoảng 20 người dưới 30 tuổi và các bạn chưa bao giờ có kinh nghiệm làm về vé xe bus hay vé điện tử. Đây là một trong những ví dụ về việc chúng tôi đang cố gắng học hỏi và chuyển dịch kinh doanh đưa online sang thế giới thực.