Dữ liệu từ Metric cho biết, quý III-2024, doanh thu TMĐT đạt 85 nghìn tỉ đồng, tăng hơn 18% so với quý liền kề.
Kinh doanh online: Đòi hỏi tính toán kỹ lưỡng
Tuy nhiên ngược lại với doanh số, số lượng nhà bán hàng có phát sinh đơn hàng trên 5 sàn TMĐT lại giảm 17,8% so với cùng kỳ, đạt 452.000 ngàn shop.
Cùng thời điểm này, theo Metric, các nhà bán lẻ online còn đối mặt với nhiều thách thức khác đến từ chính sách quản lý TMĐT về chống thất thu thuế, định danh nhà bán để ngăn hàng giả, kiểm soát chặt nguồn gốc, chất lượng hàng hóa.
Chưa kể, các sàn TMĐT cũng đang điều chỉnh theo hướng lấy người dùng làm trung tâm, đã tác động trực tiếp tới các nhà kinh doanh online.
Ông Đào Thế Vinh, nhà sáng lập thương hiệu Midori, nhận xét: “Kinh doanh online hiện nay đòi hỏi phải tính toán kỹ lưỡng từ giá bán, chi phí giao nhận, đến nhiều chi phí khác như quảng cáo, thuế, phí hoàn hàng, nhân sự, mặt bằng và vận chuyển. Riêng chi phí quảng cáo, phí sàn, thuế đã chiếm hơn 40%...
Điều này khiến nhà bán phải tìm mọi cách tối ưu chi phí để gia tăng lợi nhuận, mà vẫn mang lại trải nghiệm tốt cho người mua hàng"
Cũng theo vị này, trong thời gian tới, các nhà kinh doanh online sẽ còn đối mặt thêm nhiều thách thức khác khi mùa khuyến mãi cuối năm đang gần kề như tắc nghẽn đơn hàng, chạy đua giảm giá.
"Áp lực này càng lớn khi làn sóng sàn TMĐT xuyên biên giới giá rẻ đang ồ ạt vào Việt Nam"- ông Vinh nói.
Tăng tốc mùa mua sắm cuối năm
Dù áp lực nhưng theo ông Nguyễn Mạnh Tấn, Phó ban truyền thông Hiệp hội TMĐT Việt Nam, các nhà bán lẻ online vẫn còn rất nhiều cơ hội tăng trưởng cho 3 tháng cuối năm, khi có chiến lược kinh doanh trọng điểm.
“Đẩy mạnh bán hàng đa kênh trên sàn TMĐT, livestream trên các mạng xã hội, website hay hợp tác với những người có tầm ảnh hưởng.. là những phương án thường thấy để bứt phá đơn hàng mùa cuối năm.
Tuy nhiên, việc phối hợp bán hàng trên các sàn TMĐT và các kênh bán hàng mà doanh nghiệp đang sở hữu cần có sự linh hoạt để đạt được hiệu quả kinh doanh tốt nhất”- ông Tấn nói.
Cũng theo ông Tấn, các nhà bán hàng có thể đẩy mạnh các mặt hàng có tính truyền thống, địa phương. Đồng thời tận dụng tối đa các chính sách ưu đãi từ sàn và các đơn vị e-logistcis (logistics TMĐT) để tăng tốc trải nghiệm tiêu dùng thông qua giao hàng đúng hạn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, giao hàng chặng cuối đóng vai trò quan trọng trong cảnh quan kinh doanh, đặc biệt là sự tăng trưởng của TMĐT. Giao hàng chặng cuối chiếm khoảng 28% tổng chi phí vận chuyển và có thể lên tới 53% trong trường hợp giao hàng theo yêu cầu.
Hiệu quả và sự tin cậy trong quá trình giao hàng, không chỉ ảnh hưởng đến trải nghiệm của người mua sắm trực tuyến, mà còn ảnh hưởng đến lợi nhuận và danh tiếng của các doanh nghiệp TMĐT. Đây cũng là yếu tố thúc đẩy các đơn vị e-logistics “xắn tay” vào đường đua này.
Trao đổi với PLO, đại diện đơn vị vận chuyển SPX Express cho biết, từ đầu năm tới nay, liên tục ra mắt nhiều dịch vụ mới nhằm gia tăng tốc độ giao vận và sự hài lòng của người bán, người mua hàng online. Đơn cử như mở rộng khung giờ lấy hàng đến 21 giờ hàng ngày, dịch vụ đồng kiểm, dịch vụ thử hàng áp dụng cho nhà bán hàng ngoại sàn.
"Với 2 trung tâm phân loại lớn tại Bắc Ninh và TP.HCM có công suất xử lý mỗi ngày lần lượt đạt 5 triệu bưu kiện và 2.5 triệu bưu kiện và mạng lưới bưu cục khắp 63 tỉnh thành, đã giúp tỉ lệ giao hàng thành công của SPX đạt 97%.
Tỉ lệ hàng hư hỏng và thất thoát hàng luôn duy trì ở mức cực thấp, dưới 0.01%. Thời gian giao hàng một số chặng như Hà Nội và TP.HCM cũng được rút ngắn 7 tiếng so với hồi đầu năm"- đại diện SPX nói và cho biết nỗ lực này đã giúp một số nền tảng như Shopee gặt hái được nhiều thành quả trong các mùa siêu mua sắm vừa qua.
Hiện đơn vị này cũng đang tập trung xây dựng trung tâm phân loại hàng tự động Bình Dương, dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Với diện tích 106.000 m² và công suất xử lý 4 triệu bưu kiện/ngày.
Trung tâm này kỳ vọng sẽ góp phần xử lý hàng hóa nhanh chóng hơn, từ đó giúp tối ưu chi phí vận hành cho nhà bán hàng online, và giải được cơn "đau đầu" của TMĐT mỗi dịp cao điểm mua sắm.
Đại diện Viettel Post cũng nhìn nhận, với việc đưa vào hoạt động tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh đầu tiên của Việt Nam tại Quang Minh (Mê Linh, TP. Hà Nội) vào hoạt động, đã giúp nâng mức độ tự động hóa trong khâu chia chọn hàng lên 99%. Đồng thời giúp rút ngắn thời gian toàn trình bưu phẩm còn 43 giờ và tỉ lệ giao hàng thành công đạt khoảng 95%. Kết quả doanh thu của đơn vị này cũng từ đó được cải thiện.
Mới đây, đơn vị này còn kết hợp với Vietnam Airlines để đẩy nhanh thời gian giao hàng và giảm bớt chi phí vận chuyển, giúp các doanh nghiệp Việt dễ dàng tiếp cận thị trường quốc tế với chi phí hợp lý hơn.
Theo báo cáo từ Google, Temasek và Bain & Company, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam được dự đoán sẽ chạm ngưỡng 39 tỷ USD vào năm 2025. Với sự hỗ trợ từ các sàn TMĐT và sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ từ các đơn vị vận chuyển, kỳ vọng mang thêm nhiều chuyển biến tích cực cho thị trường.
Lý do khiến đại gia bán lẻ như Điện máy xanh, FPT shop gần đây lo bán hàng online
(PLO)- Doanh thu từ các ngành hàng công nghệ điện máy trên các nền tảng bán hàng online ngày một cao khiến cho nhiều đại gia bán lẻ phải gia nhập thị trường, đặc biệt là kinh doanh trên TikTok Shop.