Máy lạnh là thiết bị không thể thiếu đối với nhiều gia đình trong những ngày hè nắng nóng. Tuy nhiên, vấn đề là làm thế nào để lắp máy lạnh tối ưu và ít tốn tiền điện nhất?
Có rất nhiều cách để tiết kiệm điện khi sử dụng máy lạnh nhưng vẫn đảm bảo mát mẻ, thậm chí việc dùng đúng và hiểu rõ các chức năng trên remote cũng giúp bạn có thể cắt giảm đáng kể tiền điện trong tháng.
1. Lựa chọn loại máy lạnh phù hợp với nhu cầu
Đây là yếu tố đầu tiên mà bạn cần quan tâm khi chọn mua máy lạnh. Để tránh lãng phí điện năng và đạt được hiệu quả làm mát tốt nhất, người dùng nên chọn máy lạnh có công suất phù hợp với phòng theo công thức sau:
Công suất máy (HP) = thể tích phòng (dài x rộng x cao)/40. Nếu phòng đông người hoặc bị nắng chiếu trực tiếp, bạn chia cho 35 thay vì 40. Ví dụ, đối với một căn phòng bình thường có chiều dài, rộng và cao lần lượt là 4 x 4 x 4 mét, bạn chỉ nên mua máy lạnh có công suất khoảng 1,5 HP. Tất nhiên, những yếu tố như ánh nắng chiếu trực tiếp vào phòng, các thiết bị trong phòng hoặc phòng đông người,… có thể ảnh hưởng đến khả năng làm mát của máy lạnh. Do đó, người dùng nên lựa chọn máy lạnh có công suất phù hợp với căn phòng.
2. Không lắp đặt máy lạnh và cục nóng chung trong phòng
Theo tư vấn của một trung tâm điện máy, trong quá trình hoạt động, máy lạnh sẽ thổi không khí lạnh để làm mát căn phòng, cục nóng sẽ có nhiệm vụ hút khí nóng trong phòng và đẩy ra ngoài.
Do đó, bạn bắt buộc phải lắp cục nóng ở bên ngoài phòng. Trong trường hợp lắp đặt sai cách (máy lạnh và cục nóng cùng một phòng), hiệu quả làm mát sẽ không có và tiền điện sẽ tăng cao.
Bên cạnh đó, nhiều người vẫn có suy nghĩ việc lắp đặt chung máy lạnh cho hai phòng (đặt giữa) sẽ giúp tiết kiệm tiền và công lắp đặt. Tuy nhiên, theo một kỹ thuật viên có kinh nghiệm, nếu dùng chung một máy lạnh cho hai phòng, quá trình làm mát sẽ chậm hơn và tốn điện hơn bởi máy sẽ phải làm việc hết công suất.
3. Sử dụng đúng chế độ
Thông thường, trên remote máy lạnh sẽ có hai chế độ để bạn lựa chọn là Cool (biểu tượng bông tuyết) và Dry (biểu tượng giọt nước). Cả hai đều có chức năng hoàn toàn khác nhau, cụ thể, chế độ Cool sẽ giúp giảm nhiệt độ phòng xuống để làm lạnh và duy trì nhiệt độ ở mức ổn định, trong khi đó, chế độ Dry chỉ thực hiện chức năng khử ẩm, duy trì nhiệt độ hiện tại của phòng.
Khi chuyển sang chế độ Dry, hơi ẩm trong phòng sẽ bị hạ xuống khiến mồ hôi bay hơi nhanh hơn nên bạn sẽ cảm thấy mát mẻ hơn. Về cơ bản, người dùng chỉ nên sử dụng chế độ Dry trong những ngày trời không quá nóng (nhiệt độ dưới 36 độ C) và độ ẩm không khí cao. Ngược lại, trong những ngày trời khô nóng, việc sử dụng Dry sẽ không còn ý nghĩa vì có thể gây khô da, nứt nẻ môi và tay chân. Nguyên nhân do độ ẩm không khí đã thấp, việc lấy đi nước sẽ khiến không khí khô hơn.
Nhìn chung, việc sử dụng chế độ Dry sẽ giúp bạn tiết kiệm được một phần điện năng so với chế độ Cool, nhưng khả năng làm mát sẽ không thực sự hiệu quả nếu nhiệt độ ngoài trời quá cao.
4. Không bật/tắt, tăng/giảm nhiệt độ liên tục
Nhiều người thường có thói quen khi cảm thấy nóng thì bật máy lạnh, khi đã đủ lạnh lại tắt để tiết kiệm điện. Tuy nhiên, việc này hoàn toàn sai lầm và còn khiến thiết bị tiêu thụ nhiều điện năng hơn vì phải khởi động và làm lạnh lại từ đầu, ngoài ra độ bền của máy lạnh cũng sẽ phần nào giảm xuống. Cách tốt nhất là bạn hãy luôn bật máy lạnh và chỉ tắt trước khi ra khỏi phòng khoảng 30-45 phút.
Đồng thời sử dụng thêm quạt để không khí lạnh lưu thông tốt hơn, tuy nhiên, bạn chỉ nên sử dụng quạt trong khoảng 15-20 phút đầu khi mới khởi động máy lạnh, sau đó nên tắt đi để tránh gây lãng phí.
Trên đây là một số cách đơn giản để tiết kiệm điện khi sử dụng máy lạnh vào mùa nóng.
Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết trên kynguyenso.plo.vn cho nhiều người cùng biết hoặc để lại bình luận khi gặp rắc rối trong quá trình sử dụng.