Hội nghị bộ trưởng Viễn thông và Công nghệ thông tin ASEAN lần thứ 15 (ASEAN TELMIN fiphty - 15) do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Việt Nam chủ trì đã diễn ra tại TP Đà Nẵng sáng 26-11. Hội nghị có sự tham dự của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Tổng thư ký Liên minh Viễn thông Thế giới, bộ trưởng các nước ASEAN và nhiều nước khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho hay đây là hội nghị bộ trưởng đầu tiên được tổ chức sau khi Cộng đồng chung ASEAN vừa chính thức được tuyên bố thành lập.
Theo Bộ trưởng Son, các đại biểu sẽ thảo luận và thông qua các chương trình, hoạt động hợp tác nhằm tăng cường kết nối về hạ tầng thông tin, thu hẹp khoảng cách số và nâng cao khả năng ứng dụng CNTT trong ASEAN.
“Ngày nay CNTT và Truyền thông (ICT) có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả quản lý nhà nước và qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đây là một trong những hạ tầng thiết yếu mà các quốc gia cần ưu tiên đầu tư và phát triển trong nền kinh tế tri thức của thế kỷ 21” - Bộ trưởng Son nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, sau năm năm thực hiện kế hoạch tổng thể ICT ASEAN (AIM 2015) rất nhiều dự án, sáng kiến đã được hình thành và triển khai tạo nên thương hiệu riêng của ASEAN, ông nói: “Hội nghị năm nay được tổ chức vào thời điểm đánh dấu sự hình thành Cộng đồng ASEAN, mở ra giai đoạn hợp tác sâu, rộng và liên kết chặt chẽ hơn giữa các nước thành viên”.
Về mục tiêu phát triển, thực hiện chuyển đổi nền kinh tế số ASEAN, ưu tiên hợp tác trong giai đoạn tới sẽ bao gồm tám nội dung: ICT đối với việc chuyển đổi và phát triển kinh tế; hội nhập và nâng cao vai trò của con người thông qua ICT; đẩy mạnh sáng tạo; phát triển cơ sở hạ tầng ICT; phát triển nguồn nhân lực; một thị trường ICT chung; các nội dung và thông tin truyền thông mới; an toàn an ninh thông tin.
Việt Nam đã thực hiện chính sách đổi mới, thúc đẩy cạnh tranh, hiện đại hóa trong hơn 20 năm qua và đã xây dựng Viễn thông và CNTT thành một ngành kinh tế kỹ thuật mũi nhọn. Cơ sở hạ tầng viễn thông và CNTT tại Việt Nam đã được đầu tư đầy đủ, thích đáng để đáp ứng tốc độ tăng trưởng kinh tế và nhu cầu của người dân.
Cho đến nay các mạng di động 3G đã được triển khai trên tất cả 63 tỉnh, TP của Việt Nam. Việt Nam có hơn 130 triệu thuê bao điện thoại, đạt tỉ lệ khoảng 145 thuê bao/100 dân và có trên 47 triệu người sử dụng Internet, đạt tỉ lệ 52 người/100 dân. Ứng dụng CNTT được coi là ưu tiên hàng đầu và đang được đẩy mạnh để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Về số hóa truyền hình, đầu tháng 11, TP Đà Nẵng là địa phương đầu tiên chính thức ngừng phát sóng truyền hình analog, chuyển hẳn sang các chương trình truyền hình số. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện số hóa truyền hình và dự kiến hoàn thành trong cả nước vào năm 2020.