Trước đây, để mua vé tàu Tết, người dân phải chen nhau tại các ga xe lửa hoặc đại lý bán vé, chưa kể nhiều người còn mua nhầm vé giả, dẫn đến việc không kịp về quê ăn Tết. Làm thế nào để hạn chế tình trạng trên?
Đầu tiên, bạn hãy tải và cài đặt ứng dụng Đường sắt Việt Nam tại địa chỉ http://bit.ly/dsvn-1, tương thích với các thiết bị Android 4.0.3 trở lên. Khi hoàn tất, người dùng chỉ cần nhấp vào mục Đăng ký để tạo tài khoản trên hệ thống (nếu chưa có) thông qua liên kết http://hoivien.dsvn.vn/ hoặc soạn tin nhắn theo cú pháp hiển thị trên màn hình, thao tác này sẽ tốn 2.000 đồng/SMS.
Ứng dụng được cung cấp hoàn toàn miễn phí trên Google Play. Ảnh: MINH HOÀNG
Khi nhận được tin nhắn có chứa mật khẩu, bạn hãy quay lại màn hình chính của ứng dụng, đăng nhập bằng số điện thoại và mật khẩu tương ứng. Nếu thành công, người dùng sẽ được yêu cầu đổi lại mật khẩu và cập nhật thêm một số thông tin khác như họ tên, số điện thoại, địa chỉ email…
Đăng ký làm hội viên của Đường sắt Việt Nam bằng cách soạn tin nhắn gửi tổng đài 8200. Ảnh: MINH HOÀNG
Để bắt đầu, bạn cần lựa chọn loại vé (một chiều hoặc khứ hồi), nhập thông tin ga đi, ga đến, loại chỗ, ngày đi và ngày về (lưu ý, vé một chiều sẽ không có ngày về) rồi nhấn Tìm kiếm. Tại màn hình tiếp theo, người dùng chỉ cần chọn loại tàu, thời gian khởi hành… Trong trường hợp không có vé, bạn hãy chuyển sang một ngày khác.
Tiếp theo, bạn hãy chọn loại toa (ghế cứng, ghế mềm, giường nằm máy lạnh…) và chỗ ngồi tương ứng rồi nhấn nút Chọn. Để tiến hành thanh toán, người dùng chỉ cần nhấp vào biểu tượng giỏ hàng ở góc trên bên phải, đọc lại toàn bộ thông tin về hành khách và vé tàu, sau đó nhấn vào ô Tôi đã đọc kỹ và đồng ý… và nhấn Đặt mua.
Sau khi đặt mua vé tàu qua ứng dụng trên điện thoại, người dùng sẽ nhận được một mã dùng để thanh toán. Hiện tại, ứng dụng chưa hỗ trợ thanh toán qua thẻ, do đó, bạn cần phải mang mã đến thanh toán trực tiếp các nhà ga, đại lý ủy quyền (2.500 bưu điện trên cả nước) hoặc các ngân hàng VIB.
Ngoài ra, bạn đọc cũng có thể đặt vé tàu Tết 2019 qua mạng bằng cách truy cập vào một trong hai website http://vetau.com.vn/ hoặc https://dsvn.vn/. Điền đầy đủ thông tin về ga đi, ga đến, ngày giờ khởi hành, loại vé (một chiều, khứ hồi) rồi nhấn Tìm kiếm, xác nhận lại một lần nữa khi được yêu cầu.
Trong trang mới hiện ra, người dùng có thể chọn tàu, vị trí toa (ghế cứng máy lạnh, ghế mềm máy lạnh, giường nằm máy lạnh), vị trí chỗ ngồi, giá vé tương ứng… và làm theo các bước hướng dẫn cho đến khi thanh toán hoàn tất.
Cũng trong dịp Tết 2019 (từ ngày 23-1-2019 đến hết ngày 22-2-2019) ngành đường sắt cũng tổ chức chạy thường xuyên thêm các tàu tuyến Hà Nội-Vinh, Sài Gòn-Quy Nhơn, Sài Gòn-Nha Trang và Sài Gòn-Phan Thiết. Điều này đồng nghĩa với việc trong những ngày cao điểm, sẽ có khoảng 24 đôi tàu được sử dụng trên tuyến Bắc-Nam với tổng số khoảng 14.000 chỗ/ngày, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dùng.
Việc mở rộng các kênh bán vé trực tuyến cũng như áp dụng công nghệ là một trong những nỗ lực của ngành đường sắt Việt Nam, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm bớt khó khăn và sự bất tiện của người dùng khi mua vé tàu vào dịp cuối năm hoặc cận Tết.
Cụ thể, theo thông tin từ FPT Information System (FPT IS) - đơn vị xây dựng và vận hành hệ thống bán vé điện tử của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam: Tính đến 17 giờ ngày 4-10-2018, tổng số lượng vé bán ra là 118.787. Trong đó, số lượng vé bán online là 86.163, số lượng mua trực tiếp tại cửa ga và các đại lý là 32.624 vé. Tổng số lượng vé hết thời hạn giữ chỗ mà chưa được thanh toán là 11.916 vé.
Hy vọng với những mẹo nhỏ mà Kynguyenso.plo.vn vừa giới thiệu bên trên, bạn đọc có thể yên tâm hơn khi đặt vé tàu về quê ăn Tết 2019, tránh được tình trạng vé giả và tiết kiệm thời gian cũng như công sức đi lại.
Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết cho nhiều người cùng biết hoặc để lại bình luận khi gặp rắc rối trong quá trình sử dụng.