Gourmet Haus Staudt là một nhà hàng chuyên bán loại bia Đức ngon nổi tiếng và đó cũng chính là nơi Gray Powell một kỹ sư phần mềm của Apple đã “quá chén” và để quên chiếc iPhone 4G mà anh ta đang dùng thử.
Gray Powell tốt nghiệp đại học North Carolina hồi năm 2006 hiện đang làm kỹ sư phần mềm cho Apple và đang phát triển iPhone Baseband Software, một phần mềm cho phép iPhone có thể thực hiện được những cuộc gọi điện thoại.
Ngày 18/3, Powell đến uống bia tại nhà hàng Gourmet Haus Staudt (Redwood City, California). Hôm đó anh rất vui. Cảnh quan xung quanh cũng thật đẹp và bia thì tuyệt vời. "Tôi đã đánh giá thấp bia Đức” – đó chính là những dòng chữ cuối cùng mà Gray Powell cập nhật lên trang Facebook của mình bằng chiếc iPhone bí mật và đó cũng là lần cuối cùng anh nhìn thấy chiếc iPhone của mình trước khi rời quán bar về nhà.
Nhưng ngay khi phát hiện ra chiếc iPhone đã biến mất và nhớ lại những quy định khắt khe có phần nghiệt ngã của Apple về việc để lộ thông tin sản phẩm, những dư vị của bia Đức trở nên đắng nghét trong Powell.
Cho đến giờ, Apple vẫn tỏ ra rất thành công trong việc bảo vệ bí mật cho những sản phẩm sắp ra mắt của mình. Mỗi khi có thông tin gì thật cần thiết họ mới “rỉ tai” cho một số tờ báo thân cận. Tại đại bản doanh của họ ở Cupertino, tất cả những sản phẩm, máy tính đều được bảo vệ kỹ càng sau lớp cửa bọc thép và những ổ khóa dùng mật mã, cứ vài phút lại đổi mật mã 1 lần. Các mẫu thử luôn được bảo vệ nghiêm ngặt và thông thường mỗi bộ phận nhân viên chỉ được tiếp xúc với mộ phần của sản phẩm nên họ sẽ không thể nào hình dung được hình ảnh hoàn chỉnh của sản phẩm.
Trong các phòng thí nghiệm hay ngay bên trong khu vực làm việc, Apple luôn có một đội quân bí mật với nhiệm vụ duy nhất: Đảm bảo không một ai được phép nói chuyện. Mỗi khi có thông tin bị rò rỉ ra bên ngoài, đội “cảnh sát bí mật” này có thêm nhiệm vụ: Truy tìm kẻ phản bội và tống cổ ra khỏi công ty. Bằng việc sử dụng chế độ “quản thúc” và những thủ thuật khác, đội quân áo đen này của Apple đã ngăn cản được hầu hết những ánh mắt tò mò, nhòm ngó. Họ được Tổng giám đốc Steve Jobs tin tưởng để tránh việc thông tin về sản phẩm mới bị rò rỉ có thể khiến hãng tổn thất hàng triệu USD.
Nhưng đó vẫn không phải là biện pháp hoàn hảo vì con người vẫn chỉ là con người và họ có thể… đánh mất. Đó chính là lý do vì sao chiếc iPhone thế hệ mới bị lọt ra ngoài.
Quán Bar nơi Powell đã bỏ quên chiếc iPhone.
Trở lại câu chuyện của Powell, khi anh chàng này rời quán bar, người ngồi cạnh anh ta vẫn không để ý nhưng khi có một người khác đến và hỏi: “Này, đây là chiếc iPhone của anh phải không?”. “Anh chàng ngồi cạnh Powell” trả lời rằng không và người kia liền cho rằng đó là chiếc điện thoại của bạn anh ta và “khật khưỡng” rời khỏi quán sau khi dúi chiếc iPhone vào tay với câu nói: Này cầm lấy, hẳn là cậu không muốn đánh mất nó đâu.
Anh chàng “bất ngờ nhận được chiếc iPhone” sau đó đã hỏi hết tất cả những người xung quanh nhưng cũng không có ai nhận đó là điện thoại của mình. Họ cho rằng đó là điện thoại của Powell và ngồi lại đó đợi khi anh quay lại để trả nhưng Powell không bao giờ quay lại.
Trong lúc ngồi chờ, anh chàng kia lôi chiếc iPhone ra “nghịch”. Nó trông giống như một chiếc iPhone thông thường. “Ban đầu tôi nghĩ rằng đó là chiếc iPhone 3GS”, anh này trả lời phỏng vấn của Gizmodo qua điện thoại, “Tôi dùng thử camera nhưng nó bị treo tới 3 lần. Nó trông không có gì khác biệt ngoại trừ có 2 dãy mã số in ở mặt sau: 8800601pex1 và N90_DVT_GE4X_0493. Ở bên cạnh nút chỉnh âm lượng có một mẩu giấy ghi nhãn với dòng chữ: iPhone SWE-L200221”.
Nhưng bên trong chiếc iPhone có tới 6 ứng dụng khác nhau và 1 trong số đó là Facebook. Khi truy cập vào ứng dụng này, tên tuổi của anh chàng kỹ sư phần mềm của Apple Gray Powell mới xuất hiện.
Nghĩ rằng đến ngày hôm sau trả lại chiếc iPhone cũng chưa muộn nên anh chàng kia mới rời quán bar và về nhà. Sáng hôm sau, khi ngủ dậy anh ta phát hiện ra rằng chiếc iPhone đã “chết” và nguyên nhân là từ phần mềm dịch vụ MobileMe, cho phép theo dõi và xóa sạch dữ liệu trên những chiếc iPhone bị mất. Đến lúc này anh mới phát hiện ra sự khác biệt của chiếc iPhone. Đầu tiên là camera ở mặt trước của máy. Anh cho rằng đó là một chiếc iPhone 3GS giả nên tìm cách mở nó ra.
Nhưng tất cả những thứ bên trong đã chứng minh đó là chiếc iPhone “cực xịn”. Anh này vội gọi điện đến Apple và cố tìm được chàng trai đã ngồi trong quán bar tối hôm trước nhưng không được.
Vài tuần sau đó, Gizmodo nhận được chiếc iPhone này và khẳng định đó đúng là một chiếc iPhone “hoàn toàn nghiêm chỉnh”. Gizmodo gọi điện cho Gray Powell để xác nhận lại việc anh ta đánh mất chiếc iPhone.
Có lẽ chiếc iPhone bị thất lạc này sẽ cho Apple một bài học mới: Bất cứ ai cũng có thể mắc sai lầm và sai lầm ấy có thể xảy ra bất cứ khi nào.
Theo Trường Sơn (ICTnews / Gizmodo)