Với nguồn mở, các chuyên gia tin học của Cuba tìm hiểu, làm chủ các công nghệ ứng dụng bên trong các PM, tự do lựa chọn những tính năng có lợi, thoải mái tuỳ biến, thay đổi của PM đáp ứng theo yêu cầu sử dụng. Thứ trưởng bộ Thông Tin và Tin Học của Cuba phát biểu: “Chúng tôi lựa chọn PMNM như một giải pháp để đảm bảo hệ thống thông tin phát triển và có tính tới yếu tố đảm bảo an ninh quốc gia”.
Đầu tư vào con người
Làm chủ công nghệ như thế nào?! Tại Cuba, đó là câu chuyện về chiến lược xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Đơn giản, chúng ta không thể làm chủ công nghệ nếu chỉ biết sao chép và sử dụng y nguyên một PM nguồn mở tải về từ Internet. Suy cho cùng, dù mã nguồn đã tự do truy cập thì bản thân mỗi kỹ sư cũng phải có trình độ nhất định mới đọc hiểu được từng dòng lệnh, cũng như nắm bắt kiến trúc hệ thống của PMNM.
Để thực hiện chiến lược PMNM, Cuba đã đầu tư có trọng điểm vào trường đại học CNTT (UCi – University of Computer Science and Informatics) với hơn 10.000 sinh viên tham gia học tập. Lực lượng chính tham gia vào các dự án tin học hoá của chính phủ Cuba cũng như các dự án phục vụ cho quốc tế đều xuất thân từ trường đại học UCi. Yếu tố con người cộng với chiến lược làm chủ công nghệ đã góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển các hệ thống tin học tại Cuba thay vì quá quan tâm tới những công nghệ cao mà Cuba chỉ có cách là nhập khẩu từ nước ngoài.
Xuất khẩu tri thức
Dù xác định dựa trên PMNM để phát triển, dựa vào nguồn nhân lực và khuyến khích khả năng làm chủ công nghệ của các chuyên gia trong nước, song họ vẫn hiểu rằng, để thực sự phát triển không thể thiếu hợp tác chuyển giao công nghệ từ quốc tế. Với sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý, các chuyên gia của Cuba có điều kiện tham gia hợp tác với nhiều đối tác chủ yếu đến từ các quốc gia phát triển của châu Âu: Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha... Các chuyên gia của thế giới không chỉ mang đến cho Cuba công nghệ mà còn là những kinh nghiệm quý báu, khả năng học hỏi và chia sẻ. Các kỹ sư Cuba đã có những bước tiến mạnh mẽ, khẳng định khả năng làm chủ các hệ thống di động, tổng đài, hệ thống thoại trên nền mạng Internet (VoIP), hệ điều hành nguồn mở (NOVA)...
Sự lựa chọn chiến lược nguồn mở với đặc trưng là tuân thủ các tiêu chuẩn mở đã tạo điều kiện để các chuyên gia Cuba dễ dàng thâm nhập vào lĩnh vực tích hợp hệ thống. Bản thân các dự án nguồn mở đã là một mảnh đất màu mỡ cho các tiêu chuẩn mở ứng dụng, nay lại theo yêu cầu đa dạng hoá, quốc tế hoá nên tiêu chuẩn mở làm cho việc tích hợp hệ thống phức tạp trở nên rõ ràng hơn.
Khẳng định vị thế
Một trong những thành tựu được coi là thành công nhất của Cuba là doanh số xuất khẩu PM năm 2008 của họ lên tới hơn 200 triệu USD. Một quốc gia vẫn còn bị cấm vận về kinh tế, khoa học kỹ thuật, nhờ có chiến lược đầu tư thích hợp vào hướng phát triển công nghệ và phát triển nguồn nhân lực trình độ cao đã có tên trên bản đồ xuất khẩu dịch vụ CNTT. Cho dù chưa phải là một địa chỉ cung cấp dịch vụ thuê ngoài (out source) nổi trội trên bản đồ CNTT thế giới, song chỉ với chừng đó, Cuba cũng đã cho thấy tiềm năng của chiến lược khai thác PMNM.
Theo PCWorld VN