Cuộc chiến giữa công nghệ và pháp luật

Ngày 29-2-2016, chẳng biết có liên can gì tới cái ngày đặc biệt bốn năm mới có một lần (ngày 29-2 của năm nhuận), quan tòa Liên bang James Orenstein ở New York đã đưa ra phán quyết chấn động. Theo đó, bác bỏ việc FBI yêu cầu hãng Apple mở khóa một chiếc iPhone của một tay súng là đối tượng buôn bán ma túy được cho là có liên can tới vụ xả súng thảm sát tại San Bernardino (California) ngày 2-12-2015, giết chết 14 người và làm bị thương 22 người.

Thổi bùng những tranh cãi

Chiếc iPhone 5C chạy hệ điều hành iOS 9 này thuộc về Syed Rizwan Farook, kẻ đã cùng vợ là Tashfeen Malik xả súng thảm sát trước khi bị cảnh sát bắn hạ cả hai. Nó đã được khóa bằng password. Các nhân viên điều tra muốn tìm những thông tin chứa trong chiếc iPhone của kẻ thủ ác để phục vụ cho cuộc điều tra. Họ đã xin được lệnh của một quan tòa liên bang ở New York ngày 16-2-2016.

Thế nhưng Apple đã từ chối làm chuyện ấy. Hôm 24-2-2016, trên chương trình truyền hình ABC News, sếp Apple là Tim Cook đã lần đầu tiên lên tiếng công khai để giải thích vì sao mình từ chối yêu cầu của FBI. CEO của Apple chia sẻ là ông tin mình “đã có một chọn lựa đúng”. Vì nếu ông làm theo yêu cầu của FBI “sẽ tệ hại cho nước Mỹ” và “tạo ra một tiền lệ mà tôi tin rằng nhiều người ở Mỹ sẽ bị ảnh hưởng”.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Loretta Lynch đã bày tỏ sự thất vọng trước phán quyết của quan tòa Liên bang James Orenstein. Bà nói rằng Bộ Tư pháp yêu cầu Apple trợ giúp cuộc điều tra theo tinh thần của đạo luật về các lệnh của tòa án All Writs Act được ban hành hồi năm 1789, tức cách đây 227 năm. Ngày hôm sau, 1-3-2016, các luật sư của Apple và các quan chức Bộ Tư pháp đã có một cuộc tranh cãi nhau kịch liệt tại Hạ nghị viện Mỹ trong cuộc điều trần của James Comey, Giám đốc FBI, trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện. Các nhà làm luật của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ bình thường đối chọi nhau nay đồng thanh “ném đá” sếp FBI. Họ nhấn mạnh rằng việc FBI buộc Apple mở khóa những chiếc iPhone là một “hành động vô ích”.

Cuộc chiến giữa Apple và FBI dường như phần thắng đang nghiêng về công ty công nghệ. Ảnh: Internet

Chủ tịch ủy ban Robert Goodlatte, hạ nghị sĩ Cộng hòa ở bang Virginia, nói rằng vụ này đã thu hút sự quan tâm toàn cầu về an ninh mạng. Nhưng ông lưu ý đây không thể là một trường hợp lý tưởng để đặt ra tiền lệ.

Giám đốc FBI Comey cứ khăng khăng quan điểm việc tranh cãi giữa FBI và Apple ở đây chỉ là với một chiếc iPhone cụ thể.

Nhiều nghị sĩ nói rằng Quốc hội chứ không phải các quan tòa phải quyết định xem liệu các cơ quan an ninh có thể ra lệnh cho các công ty công nghệ viết phần mềm cho phép nhà chức trách truy xuất vào các sản phẩm của họ. Đây là điều mà các nhà kỹ thuật coi là một dạng “cửa hậu” (backdoor).

Vẫn chưa có hồi kết

Apple đã nhận được sử ủng hộ của những “ông lớn” công nghệ cả từ các nhà sản xuất thiết bị lẫn các dịch vụ người dùng, đặc biệt là dịch vụ online. Twitter, AirBnB, Ebay, LinkedIn và Reddit nằm trong nhóm 17 công ty online lớn chính thức hậu thuẫn Apple. Nhóm khác ủng hộ dưới hình thức tham gia một tuyên bố ngắn gọn chung với tư cách “bạn ở tòa án” (amicus brief) gồm Amazon, Cisco, Facebook, Google, Microsoft, Mozilla, Pinterest, Snapchat, WhatsApp và Yahoo. Hai hãng Intel và AT&T có tuyên bố riêng.

Về phía người nhà nạn nhân, chị Salihin Kondoker có chồng bị bắn ba phát nhưng may mắn còn sống đã ủng hộ Apple. Còn người nhà của một số nạn nhân khác đã chung sức lại ủng hộ FBI.

Donald Trump, ứng cử viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa đang nổi đình đám nhất, đã tuyên bố trên kênh truyền hình Fox ủng hộ FBI: “Tôi đồng ý 100% với các tòa án… Họ (Apple) nghĩ họ là ai kia chớ? Họ phải mở nó ra”.

Có thể nói rằng ở Mỹ và cả trên thế giới, về khía cạnh kinh doanh và bảo mật cá nhân, người ta ủng hộ Apple. Còn về an ninh xã hội, các tổ chức và cá nhân chống khủng bố thì họ hậu thuẫn cho FBI. Hãng Apple và các bên hiện đang giao trái banh vào chân Quốc hội Mỹ, nơi phán quyết cuối cùng. Tất nhiên bản chất vấn đề là nhiều người lo ngại nếu không nghiêm và rõ ràng, các quy định có thể bị nhà chức trách lạm dụng gây lợi bất cập hại cho xã hội.

Cuộc thăm dò online do Ipsos tiến hành cho hãng tin Anh Reuters hồi hạ tuần tháng 2-2016 với 1.576 người Mỹ tham gia cho thấy 46% ủng hộ Apple; 35% không đồng ý với Apple và gần 20% không có ý kiến. Trước đó, một cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứ Pew cho thấy 51% người tham gia đứng về phía FBI và 38% ủng hộ Apple. Hãng Morning Consult cho biết 54% số người tham gia cuộc thăm dò của họ nói rằng mình sẽ bất an nếu như Apple, Google hay các công ty công nghệ khác bị yêu cầu phải trao thông tin cá nhân cho nhà chức trách. Tuy nhiên, họ nói điều đó là cần thiết khi bắt buộc phải làm như vậy.

Trở về trang chủ

Đọc thêm