Ủy ban bảo vệ người tiêu dùng Thượng Hải đã nghiên cứu 20 điện thoại thông minh từ các nhà sản xuất khác nhau, phát hiện ra rất nhiều sản phẩm được bán ở Trung Quốc có những ứng dụng cài đặt sẵn mà người tiêu dùng không muốn lẫn không yêu cầu cài. Những ứng dụng này thường cũng không thể gỡ bỏ khỏi thiết bị.
Đặc biệt trong dòng máy Samsung Galaxy Note 3 có 44 ứng dụng cài sẵn và Oppo Find 7A có 71 ứng dụng ngay cả khi chưa đến tay người dùng.
Trên phablet của Samsung, các ứng dụng này bao gồm ứng dụng mua sắm online, từ điển. Ở Oppo, đó là game và các phần mềm mà công ty chọn cho người dùng.
Samsung đã từng tỏ ra có yêu thích đặc biệt với “ứng dụng ngoài lề”. Đầu năm nay, công ty này đã hứa hẹn sẽ cắt giảm các ứng dụng cài đặt sẵn trong điện thoại, máy tính bảng sắp ra đời. Nhưng thế hệ điện thoại mới nhất của họ có đến 44 ứng dụng cài sẵn.
Người tiêu dùng đã kiện cả 2 công ty này vì đã không thông báo cho người dùng về ứng dụng cài sẵn, một sự vi phạm trực tiếp với quyền lợi người tiêu dùng. Đơn kiện yêu cầu các nhà sản xuất phải ghi rõ tất cả các ứng dụng họ đã cài trên hộp sản phẩm để lưu ý người dùng, giúp họ chọn lựa. Họ cũng muốn người dùng được quyền gỡ bỏ các ứng dụng này khỏi điện thoại.
Các phần mềm ngoài lề này không chỉ là vấn đề với Samsung và Oppo. Các nhãn hiệu như Apple, Microsoft, Sony cài đặt điện thoại họ sản xuất với ứng dụng họ muốn, hoàn toàn “ngó lơ” quyền lựa chọn của người dùng.
Samsung đã bắt đầu cho người dùng được quyền xóa ứng dụng cài sẵn trong Galaxy S6 và Galaxy S6 Edge.