Câu hỏi này, thật sự thì có vẻ khá là thừa thãi, khi mà sự thành công của Facebook là điều không thể bàn cãi, ngay từ khi ý tưởng về nó mới nhen nhóm được hình thành. Chỉ cần vài tiếng xem bộ film Social Network, các bạn hoàn toàn có thể hiểu tại sao chỉ mới là ý tưởng thôi, mà Facebook đã có giá hàng triệu đô, và khi đã thành hiện thực thì nó lại có giá trị lên đến hàng tỉ đô la Mĩ.
Thật ra, việc một người chưa có bất kì dự án nào có tầm cỡ… vài triệu đô la như tôi, khó có thể phân tích và so sánh bằng một con người tài năng như Mark được. Tầm nhìn của Mark quá lớn, vượt xa cái mà chúng ta đã từng mong đợi ở thời điểm đó.
Còn nhớ cái thời mà người người – nhà nhà chat Yahoo không? Lúc đó, không có ai nghĩ công cụ chat này sẽ có một ngày “kém nổi tiếng” đi, chứ đừng nói đến việc biến mất khỏi bản đồ công nghệ. Hãy nhớ rằng, chúng ta đang ở trong một vũ trụ, một không gian mà sự ra đời hay biến mất của một thứ gì đó đều gây nên một sự tương tác nhất định đối với những thứ khác. Nếu từng có sở thích về môn vật lí, các bạn sẽ hiểu ngay ý của tôi:
Sự ra mắt của Facebook giống như bạn bất thình lình thả một Mặt Trời thứ 2, vào cạnh Mặt Trăng vậy. Không những nó làm cho Mặt Trăng bỗng nhiên bị… lu mờ, mà nó còn vô tình “sút” luôn thiên thể này ra khỏi quỹ đạo vốn có của nó, đồng thời tái thiết lập lại trật tự thế giới mới xung quanh mình. Mọi chuyện nghe có vẻ viễn tưởng, nhưng nếu ngồi suy ngẫm một tí, thì chúng ta hoàn toàn có thể nhận ra, chính tầm vóc quá lớn – trong tư tưởng và mục đích của Facebook, đã nhanh chóng “đè bẹp” những dối thủ xung quanh, thậm chí tốc độ xâm lăng này có thể so sánh với vận tốc chạy của vận động viên quyền anh May Weather!
Ở thời kì Yahoo hưng thịnh nhất, sự tương tác của tất cả những người nằm trong mạng lưới của nó, hoàn toàn chỉ nằm trong phạm vi khu vực: trường lớp, cơ quan, gia đình,… và không hề có khái niệm về giao tiếp và chia sẻ mang tính xã hội. Bạn có thể dễ dàng xin nick một cô bé xinh xắn nào đó trong một buổi gặp mặt (thật sự thì việc này cũng không hề dễ dàng một chút nào), nhưng lại rất khó khăn khi muốn nói chuyện với một ngôi sao điện ảnh, hay thậm chí là “ép” nick của một cô bé gần nhà nhưng chưa bao giờ bạn có cơ hội tiếp cận. Tất cả những ví dụ trên, nhằm để chỉ ra điểm yếu chết người của Yahoo, khả năng kết nối.
Bạn có thể dễ dàng liên kết với một người ở gần bạn, nhưng lại cực kì khó khăn nếu người đó lại ở xa (theo đúng nghĩa đen) tính về mặt Địa lí. Mãi đến những năm cuối cùng của đời mình, Yahoo mới vội vã mở ra các kênh chat xuyên lục địa, tăng khả năng giao lưu ở tầm vóc lớn hơn, nhưng, bạn có thể mở lòng mình để nói chuyện với một cô bạn cách xa hàng ngàn km, mà chưa bao giờ được thấy “nhan sắc” và cuộc sống ngoài đời của cô ấy? Bạn cũng không thể nhìn avatar hay tên nick để đánh giá một cá nhân nào trên Yahoo được, bởi vì mọi thứ lúc bấy giờ rất “ảo”, thật sự thì Yahoo chỉ đóng vai trò là người dẫn đầu trong công cuộc mở đường cho việc giao tiếp giữa hai (hoặc nhiều) người mà không cần suy nghĩ về vấn dề khoảng cách mà thôi.
Cũng thật lạ, không phải Facebook là người đầu tiên khai sinh ra mạng xã hội ảo, nhưng nó lại là người đứng đầu về lĩnh vực này từng ấy năm qua. Có thể kể đến MySpace, Twitter, Yahoo 360,…và rất nhiều trang web tương tự. Nhưng không ai nghĩ ra cách tương tác giữa những con người “cô đơn” trên thế giới này tuyệt như Mark. Bạn phải công nhận rằng sợi dây liên kết giữa những cá thể trên mạng xã hội Facebook, thậm chí ở một số phương diện có thể sánh ngang với sợi dây liên kết ngoài đời thực. Trong gia đình chúng ta có “face” của bố, mẹ, anh, em,… Trong lớp học chúng ta có “group” giữa các thành viên trong lớp, nhằm trao đổi bài hoặc một số “nhu yếu phẩm” chỉ có trời mới biết,... Trong cơ quan, sự liên lạc giữa những nhân viên với sếp có thể thông qua các cuộc “chat nhóm” hay “hội kín”,… Trong xã hội, các ngôi sao, diễn viên, nhà diễn thuyết, chính trị gia,.. có thể thể hiện suy nghĩ và quan điểm của họ thông qua “fanpage”,…
Thật không thể tin nổi, chỉ cần ngồi tại quán café và lấy tờ giấy A4 ra để liệt kê hết những gì mà Facebook có thể đặt chân đến, tôi không dàm chắc mình có đủ sức để làm không nữa. Nó quá bao la và rộng lớn, nó là phi thường. Hầu hết những dự án phi thường thường rất… phi thường, ngay cả khi nói mới chỉ trong giai đoạn thai nghén và phát triển. Dám chắc rằng, Mark khi mới ra mắt Facebook, chỉ nhằm mang đến khả năng tương tác giữa những cá thể trong xã hội này với nhau, chứ anh không hề nghĩ đến việc MXH này lại mang trong mình sứ mạng to lớn đến thế.
Facebook – bây giờ như một phần của thế giới hiện đại, dù không thực sự hiện hữu, nhưng sức hút của nó là có thật, và đang từng giờ từng phút lan tỏa ra trên Trái Đất này. Liệu một ngày nào đó, có một “kẻ” nào đó, mạnh mẽ hơn nữa, phi thường hơn nữa, có thể “đá văng” gã khổng lồ này không? Tôi không dám chắc, cũng giống như suy nghĩ về “Yahoo – kẻ không thể bị khuất phục” vài năm về trước vậy. Định luật III của Newton vẫn luôn đúng trong vũ trụ này.