Hồi chuông báo tử của tin nhắn ĐT

Bây giờ, người ta vẫn đang nhoay nhoáy lướt hai ngón cái “thần thánh” hay “nhất dương chỉ” hoặc cả “ngũ trảo” trên màn hình ĐTDĐ để truyền tải những thông tin muốn nhắn gửi cho người phương xa. Chỉ có điều đặc biệt là với giới trẻ hay sồn sồn, họ không dùng dạng tin nhắn text truyền thống SMS (Short Message Service) mà đang tận hưởng những dịch vụ, ứng dụng nhắn tin trên nền Internet OTT (over-the-top content) ngập tràn tính multimedia đa dạng, đa phương tiện.

Một thời đã qua…

Ngoại thì có vô số kể những dịch vụ tin nhắn di động, hầu hết là miễn phí như Viber, Tango, Facebook Messenger, Skype, Line, WhatsApp, Blackberry Messenger (BBM), Snapchat, Google Hangouts,… Nội thì người Việt Nam có Zalo của Zing, Mocha của Viettel, Halo của MobiFone,…

Không chỉ theo thời công nghệ mà chính là nhu cầu chính đáng của con người, ngày nay người ta không còn hài lòng với hình thức thoại chỉ nghe tiếng hay nhắn tin chỉ có chữ. Vậy là các nhà mạng, các nhà cung cấp dịch vụ và nội dung Internet đã tranh đua nhau bào chế các ứng dụng tin nhắn multimedia. Từ cơ sở hạ tầng mạng cho tới công nghệ và thiết bị đều dư sức qua cầu cho các dịch vụ và ứng dụng màu mè hoa lá cành vốn ngốn nhiều băng thông và nguồn data hơn các loại hình truyền thống. Thì cũng giống như in màu so với in đen trắng thôi. Gọi điện thoại thì có thể kèm theo hình ảnh video thời gian thực. Nhắn tin thì có thể minh họa bằng hình ảnh, video, âm thanh,…

Chấn động nhất là mới đây, êkíp “nhiều chuyện” của anh chàng tỉ phú Mark Zuckerberg đã tung ra một ứng dụng mới gọi là Facebook Video Calling tích hợp luôn cái tính năng video call hay video chat ngay vào cửa sổ ứng dụng Messenger. Bây giờ trên thanh công cụ bên trên cửa sổ quen thuộc với thần dân Facebook này có thêm nút Video call nằm ngay bên cạnh nút Voice call. Nếu chán gõ phím hay đang chat tự dưng nhu cầu tình cảm trào dâng như “hỏa diệm sơn” mà mọi chữ nghĩa bị bó tay, bạn không chỉ có thể lập tức chuyển ngay sang chế độ chat bằng tiếng nói (giống như gọi điện thoại cho nhau) mà còn có thể chat “diện đối diện” (face-to-face) với nhau qua video chat thời gian thực (giống như FaceTime trên thiết bị Apple).

Cái tuyệt chiêu mới này của Facebook quả là làm “sướng” cho tùm lum người. Nó không chỉ thu hút thêm nhiều người sử dụng thật sự (active user) cho chính Facebook, làm các thành viên Facebook thêm hạnh phúc mà còn giúp các nhà mạng hể hả ngồi rung đùi tính data kiếm thêm bộn tiền.

 
Tin nhắn truyền thống đang bị thay thế bởi các dịch vụ nhắn tin mới. Ảnh: INTERNET

Nhưng vẫn chưa chết

Dù bị các dịch vụ OTT “mỹ nữ chân dài” o ép thì khó bề tránh khỏi nhưng với đặc thù công nghệ và tính năng của mình, loại hình tin nhắn SMS truyền thống vẫn là một phương tiện truyền tin cơ bản gắn với hoạt động ĐTDĐ. Nó không thể thiếu ở các điện thoại chức năng (feature-phone) vốn chỉ dành cho gọi điện thoại. Không chỉ trên điện thoại mà ở cả máy tính với kết nối mạng và Internet cũng cần ứng dụng SMS dưới dạng tin nhắn tức thì IM (Instant Message). Mà thật, cho dù có là Facebooker đẳng cấp năm sao cũng không thể thiếu SMS để xác nhận thông tin.

Chớ có coi thường cái ông lão SMS cũ kỹ già nua nhé. Vào thời điểm tháng 9-2014, hoạt động SMS toàn cầu có doanh số lên tới hơn 100 tỉ USD, chiếm tới 50% trong tổng doanh thu phát sinh từ nhắn tin di động.

Dù sao cũng phải cám ơn các dịch vụ và ứng dụng nhắn tin OTT. Chính sự nở rộ của loại hình nhắn tin mới này đã khiến nhiều nhà mạng phải cạnh tranh bằng cách giảm giá cước tin nhắn. Ngày trước các nhà mạng di động ở Mỹ đặt ra mức hạn chế tin nhắn cho các gói cước để tận thu thêm tiền của những “ông bà họ Tám”. Không chỉ là gửi mà nhận tin nhắn cũng bị tính sổ. Gần đây, các nhà mạng đã “unlimited” không còn hạn chế số tin nhắn gửi và nhận nữa. Hễ còn trong hạn thuê bao và còn data là bạn cứ thoải mái mà tung hoành những ngón tay trên màn hình di động.

Nói đâu xa, ngay ở Việt Nam. Trước đây khi thuê bao đi ra nước ngoài có sử dụng roaming quốc tế, các nhà mạng Việt Nam tính cả cước đối với tin nhắn mà thiên hạ gửi tới cho thuê bao. Báo hại nhiều người ám ảnh và hao tiền trước những cơn mưa tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo, rao vặt không mời mà tới. Sau này, trước sự cạnh tranh, nhà mạng chỉ tính tiền khi thuê bao nhắn tin.

“Nóng” vì là dịch vụ của Facebook

Ứng dụng Facebook Video Calling với công nghệ của Skype đã được Facebook tích hợp vào phiên bản Facebook Messenger được cập nhật hồi tháng 4-2015 và bắt đầu được ứng dụng dần trên nhiều quốc gia. Mãi tới trung tuần tháng 9-2015, người dùng Facebook ở Việt Nam mới bắt đầu có thể chat bằng video miễn phí với ứng dụng trên cả tuyệt vời này thông qua kết nối 3G hay Wi-Fi. Chỉ cần có tài khoản Facebook là mọi người có thể “tám” với nhau như thể đang ngồi đối diện với nhau. Chất lượng tùy thuộc vào đường kết nối.

Trở về trang chủ

Đọc thêm