AUDIO BÀI VIẾT
Lưu ý, dịch vụ đổi giấy phép lái xe quốc tế qua mạng áp dụng đối với người Việt Nam, người nước ngoài có thẻ thường trú tại Việt Nam, có giấy phép lái xe quốc gia do Việt Nam cấp bằng vật liệu PET còn giá trị sử dụng.
Để thao tác đăng ký được nhanh chóng, bạn cần chuẩn bị trước file ảnh chân dung, ảnh chụp mặt trước giấy phép lái xe (PET) và ảnh chụp hộ chiếu (trang có ảnh), các mục có dấu (*) là bắt buộc nhập.
Các bước đăng ký giấy phép lái xe quốc tế tại nhà
- Bước 1: Đầu tiên, bạn hãy mở trình duyệt trên điện thoại hoặc máy tính và truy cập vào trang web của Tổng cục Đường bộ Việt Nam tại địa chỉ http://bit.ly/dk-gplxqt.
- Bước 2: Tại mục Thủ tục hành chính, bạn hãy chọn Dịch vụ công cấp giấy phép lái xe quốc tế (mức độ 4), chọn tiếp Cơ quan giải quyết và Địa điểm tiếp nhận rồi bấm Đăng ký trực tuyến.
- Bước 3: Tiếp theo, bạn hãy nhập số GPLX trên thẻ PET đang sử dụng và nơi cấp rồi nhấn Tìm kiếm. Nếu mọi thứ hợp lệ, thông tin chi tiết tương ứng với số GPLX sẽ được tự động hiển thị, lưu ý, người dùng không thể chỉnh sửa được các thông tin này.
- Bước 4: Ở mục Ảnh chân dung và Chữ ký, người dùng chỉ cần chụp một bức ảnh chân dung và ảnh chữ ký (chữ đen nền trắng), sau đó tải lên trang web thông qua các tùy chọn tương ứng. Bên cạnh đó, bạn còn phải gửi thêm số hộ chiếu, nơi sinh, địa chỉ email, điện thoại… và một số tệp đính kèm (bắt buộc) như ảnh chụp mặt trước của GPLX (PET) và ảnh chụp trang thông tin hộ chiếu (có ảnh và nơi sinh).
- Bước 5: Khi đã hoàn tất các bước, bạn chỉ cần nhấn Tiếp tục và thanh toán trực tuyến thông qua thẻ ngân hàng số tiền 195.000 đồng, bao gồm phí cấp giấy phép lái xe quốc tế và phí dành cho dịch vụ chuyển phát.
Hệ thống sẽ thông báo kết quả của việc cấp giấy phép lái xe quốc tế, trong trường hợp hồ sơ bị từ chối, email sẽ nêu rõ lý do, sau đó người dùng chỉ cần sửa theo yêu cầu rồi đăng ký lại. Với hồ sơ hợp lệ, sau 7 đến 10 ngày làm việc, giấy phép lái xe quốc tế sẽ được chuyển đến địa chỉ mà bạn yêu cầu.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, bằng lái xe quốc tế do Việt Nam cấp có thể sử dụng ở hơn 70 quốc gia, phần lớn là các nước châu Âu và năm nước trong khu vực Đông Nam Á gồm Việt Nam, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Indonesia.