Để dễ hình dung cái chữ “siêu tốc” của hệ thống mới, bạn biết rằng tốc độ cao nhất cho gói cước doanh nghiệp FiberPlus và FiberDiamond mà nhà mạng FPT Telecom đang cung cấp là 80 Mbit/s, có nghĩa là chậm hơn 12,5 lần so với 1 Gbit/s. Còn ở nhà mạng VNPT, gói cước cao nhất và có tốc độ nhanh nhất FiberVNN F8 đưa ra mức tốc độ 150 Mbit/s.
Internet thường đã “chập cheng”, sao ra cao tốc?
Đây quả là tốc độ lý tưởng cho những người có nhu cầu tải các file dung lượng lớn như video UHD 4K, ứng dụng thực tế ảo VR. Và với tốc độ này, việc giải trí trên mạng như xem phim, chơi game với độ phân giải cực chất chỉ còn là chuyện nhỏ.
Phàm thì ở đời cái gì càng sướng càng tốn kém. Nhưng trong công nghệ thì có khi ngược lại. Gói cước Internet Gigabit đầu tiên ở Việt Nam có giá cước 1,8 triệu đồng/tháng bao gồm truy cập Internet, xem truyền hình và xem phim. So ra nó rẻ chán so với mức 2 triệu đồng (FiberPlus) và 8 triệu đồng (FiberDiamond) của FPT (80 Mbit/s) hay 9,6 triệu đồng (FiberVNN F8) của VNPT (150 Mbit/s).
Có thể nói rằng vào thời điểm này, các thiết bị đầu cuối hỗ trợ tốc độ Internet 1 Gbit/s đã khá nhiều. Nhưng mấu chốt vẫn là cơ sở hạ tầng của nhà mạng. Vào thời điểm này, Internet cáp quang với tốc độ bình quân 20-30 Mbit/s vẫn còn “chập cheng” nhiều tập. Chủ yếu là do cơ sở hạ tầng bị quá tải. Hồi trước, khi mới đầu tư, các nhà mạng luôn hào hứng có dung lượng dự phòng cho tăng trưởng. Có vẻ sau này người ta “tận thu” trên những gì đang có.
Chẳng có gì là phức tạp hết. Nếu nhà mạng “làm biếng” đầu tư mở rộng năng lực hạ tầng, họ có thể dùng chiêu “bóp băng thông”. Bạn có bao giờ gặp tình trạng lặp đi lặp lại là Internet đang chạy phà phà rồi có lúc tự nhiên chậm hẳn lại. Hễ chịu đời không xiết, gọi điện thoại lên báo nhà mạng thì tốc độ lại nhanh trở lại, rồi ba bảy hai mươi mốt ngày lại cốt khỉ hoàn cốt khỉ. Những người dùng bình thường không phải lúc nào cũng làm những chuyện cần băng thông lớn, tốc độ cao nên họ mặc nhiên để bị “trấn lột” mà chẳng mấy quan tâm. Nhà mạng lại trọn quyền thiết đặt tốc độ cho từng cổng mà thuê bao kết nối vào máy chủ.
Tốc độ Internet cao sẽ giúp người dùng có những trải nghiệm mới, tuy nhiên bên cạnh đó cũng phát sinh hàng loạt vấn đề xung quanh. Ảnh: INTERNET
Cũng không phải dễ xơi
Ở nước Mỹ ngay từ năm 2010, công ty dịch vụ Internet lớn nhất thế giới Google đã bắt đầu triển khai dự án Google Fiber để cung cấp kết nối Internet Gigabit cho người Mỹ. Và tới cuối tháng 4-2017, Google Fiber chỉ mới kéo đến 10 TP ở tám bang của Mỹ, thậm chí có những TP chỉ mới cung cấp cho một số khu vực. Vào giữa năm 2016, Google Fiber có 68.715 thuê bao truyền hình IPTV và khoảng 453.000 khách hàng Internet băng rộng.
Tạp chí Mỹ Fortune (29-3-2017) giật tít rằng “Google Fiber vẫn đang mở rộng nhưng chậm hơn bao giờ hết”. Tờ báo nhận định rằng dịch vụ bảy năm tuổi này không bao giờ đạt được mục tiêu ban đầu đầy hồ hởi là sẽ nhanh chóng bỏ túi hàng triệu hộ thuê bao. Tuy cung cấp dạng trọn gói truyền hình Internet (IPTV), Internet băng rộng và điện thoại Internet (VoIP phone) nhưng do bị chi phối bởi luật bản quyền Mỹ, Google Fiber phải cho người dùng được quyền chọn các thành phần của gói và thực tế là đại đa số chọn chỉ đăng ký Internet tốc độ cao khiến nhà mạng thất thu.
Internet Gigabit là một xu thế mới trong kết nối Internet. Hầu hết các nước hiện đạt được mức tốc độ Internet lý thuyết 100 Mbit/s là đã ngon lắm rồi. Nhưng ngày càng có thêm nhiều nước cung cấp tốc độ Internet siêu tốc.
Bất luận thế nào, việc cung cấp dịch vụ kết nối Internet siêu tốc sẽ giúp khắc phục tình trạng lãng phí năng lực thiết bị đầu cuối đang có ngày càng nhiều trong xã hội. Có những người lâu nay vẫn có nhu cầu sử dụng Internet Gigabit. Vấn đề mà người ta quan tâm là nhà mạng đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cho dịch vụ siêu tốc này ra sao. Những người đành phải xài Internet bình thường không phải vô cớ nếu lo ngại rằng băng thông dành cho mình sẽ càng bị bóp lại để cho nhà mạng kiếm thêm tiền từ những “con cá bự”. Mừng đó mà lo đó!
Cuộc chạy đua tốc độ Mới đây (tháng 4-2017), nhà mạng Beam Fiber ở Ấn Độ đã đưa ra dự án làm một cú đại nhảy vọt ở TP Hyderabad cung cấp dịch vụ Internet có tốc độ từ 1 Mbit/s tới 1 Gbit/s. Ấn tượng hơn cả là Singapore có bốn nhà mạng Viewqwest, SuperInternet, M1 và Singtel cung cấp dịch vụ FTTH có tốc độ truy cập Internet tới 10 Gbit/s (tải xuống 10 Gbit/s và tải lên 2,3 Gbit/s). Với tốc độ 10 Gbit/s này, bạn có thể tải một bộ phim HD “ngon lành” dung lượng 10 GB trong vòng… tám giây. |