Bạn bước vào nhà và bật chế độ “Nghỉ ngơi” trên giao diện cảm ứng của điện thoại: lập tức đèn trên trần nhà sẽ phát ra ánh sáng dịu nhẹ, rèm cửa sẽ tự động kéo hờ và tiếng nhạc du dương sẽ cất lên. Điều đó giống như là một thế giới viễn tưởng, nhưng đang hiện diện ngay trong thực tế.
Nhà thông minh (tiếng Anh là smart home) là mẫu nhà mà trong đó các thiết bị điện – điện tử có khả năng hoạt động tự động. Chủ nhà có thể điều khiển và quản lý các thiết bị thông qua giao diện trực quan trên màn hình cảm ứng chuyên dụng hay điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng.
Trong căn nhà thông minh, các thiết bị có ở phòng khách, phòng ngủ, phòng vệ sinh đều có thể kết nối internet và thiết bị di động, cho phép chủ nhân điều khiển từ xa hoặc lập trình để chúng hoạt động theo đúng thời gian dự kiến.
Ngoài khả năng điều khiển các thiết bị đơn lẻ, nhà thông minh còn có thể thiết lập để kích hoạt đồng thời nhiều thiết bị theo mong muốn của chủ nhân.
Ví dụ, khi bạn thiết lập chế độ “Ngủ đêm” thì hệ thống cửa sẽ tự đóng, đèn sẽ tắt theo thứ tự từ phòng khách đến phòng ngủ, máy lạnh chỉ hoạt động từ 22g đến 1g sáng, sau đó tự tắt để cửa sổ tự động mở ra lấy khí trời…
Có thể điều khiển hệ thống trang thiết bị của ngôi nhà thông minh qua máy tính bảng |
Nhờ sự hỗ trợ của hạ tầng viễn thông, nhà thông minh cho phép chủ nhân giao tiếp từ xa với ngôi nhà của mình thông qua mạng 3G hoặc tin nhắn SMS.
Ví dụ, trong trường hợp có người lạ đột nhập vào nhà, hệ thống cảm biến trong nhà sẽ phát hiện và nhắn tin hoặc gọi điện cho chủ nhân. Thậm chí, người dùng có thể thiết lập thêm số điện thoại của hàng xóm, công an phường hoặc một cơ sở bảo vệ, an ninh nào đó.
Nhà thông minh được trang bị những loại thiết bị gì?
Nhà thông minh hiện nay có các hệ thống hoạt động với cơ chế tương tự nhau, bao gồm:
- Bộ điều khiển trung tâm, có nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý và xuất thông tin cho toàn bộ các thiết bị trong nhà.
- Các loại cảm biến và camera với vai trò giống như các giác quan, chuyên ghi nhận và thông báo những thay đổi của môi trường xung quanh (nhiệt độ, khói, tốc độ gió, chuyển động của người lạ…).
- Hệ thống điện cơ, chiết áp, công tắc, bộ phát hồng ngoại…, có nhiệm vụ tiếp nhận và thực thi các lệnh phát ra từ bộ điều khiển trung tâm (đóng cửa, tắt đèn, bật hoặc tắt tivi, tăng hoặc giảm nhiệt độ của máy điều hòa nhiệt độ…).
- Hệ thống kết nối có dây (điện hoặc LAN) và không dây (wifi, 3G…) để truyền thông tin đến các thiết bị trong nhà.
Các giải pháp nhà thông minh ở Việt Nam
Ở các nước phát triển, nhà thông minh không còn quá xa lạ, nhưng ở Việt Nam, giải pháp nhà thông minh cho hộ gia đình vẫn được xem là mới mẻ, chủ yếu dành cho những đối tượng khá giả, tiềm lực kinh tế mạnh.
Thời gian gần đây đã xuất hiện một số công ty thiết kế và nhận thi công lắp đặt nhà thông minh, trong đó có cả các công ty thuần Việt như SmartHome, VSYS, ALEC… Ngoài ra, có cả những tập đoàn nổi tiếng thế giới như Schneider (Đức) cũng đang đầu tư mạnh vào thị trường này.So với các thương hiệu ngoại, các thương hiệu Việt có lợi thế là đưa ra mức giá phù hợp với túi tiền của giới tiêu dùng phổ thông. Tuy nhiên, điểm yếu của các thương hiệu này là hầu như chỉ đưa ra được giải pháp phần mềm điều khiển và cung cấp thiết bị liên quan ở mức độ tương đối hạn chế.
Một số thiết bị như bộ cảm biến, chip điều khiển, thiết bị thu phát sóng không dây… đều phải mua từ nước ngoài. Trong khi đó, các tập đoàn lớn như Schneider lại yêu cầu chi phí đầu tư rất cao nhưng các thiết bị của họ trải rộng từ hệ thống chiếu sáng, camera an ninh, các loại cảm biến cho tới chip điều khiển, công tắc…
Giao diện điều khiển hệ thống nhà thông minh trên smartphone của VSYS |
VSYS là doanh nghiệp đưa ra sự lựa chọn khá phù hợp với giới tiêu dùng bình dân. Chỉ cần đầu tư khoảng 15 đến 20 triệu đồng là có thể được VSYS lắp đặt một hệ thống thông minh điều khiển bằng remote, điện thoại thông minh, máy tính bảng, tin nhắn SMS, hay thậm chí là bằng giọng nói tại phòng khách của gia đình.
Thành phần chiếm chi phí đầu tư nhiều nhất chính là bộ điều khiển. Một gói sản phẩm như của VSYS ở trên đòi hỏi người dùng phải sử dụng gần 50% chi phí để đầu tư cho một bộ điều khiển trung tâm (khoảng 9 triệu đồng).
Tuy nhiên, với khả năng hỗ trợ tới hơn 250 thiết bị trong nhà thì khi đã có bộ điều khiển, chủ nhân sẽ tha hồ nâng cấp độ thông minh của ngôi nhà khi từng bước mua sắm thêm các loại thiết bị chấp hành khác.
Ví dụ, cảm biến thời tiết báo cho hệ thống điều khiển tự động đóng cửa và thu quần áo đang phơi ngoài trời khi có mưa hay gió mạnh, hệ thống camera kết hợp với cảm biến chuyển động giúp phát hiện kẻ gian đột nhập vào nhà rồi lập tức nhắn tin hoặc gọi điện cho các số điện thoại được thiết lập từ trước…
Một rào cản đối với các doanh nghiệp thiết kế và lắp đặt nhà thông minh chính là tâm lý e ngại của người tiêu dùng do nhiều người chưa mường tượng được việc triển khai hệ thống trang thiết bị cho ngôi nhà thông minh ra sao. Nếu đầu tư ngay từ khi bắt đầu xây nhà, có thể tích hợp luôn các thiết bị điều khiển và kết nối bên trong kết cấu nhà.
Còn trong trường hợp nhà đã xây sẵn thì sử dụng giải pháp kết nối không dây và tận dụng đường dây điện sẵn có chứ không phải đục tường hay phá bỏ các kết cấu nhà.
Người viết bài này đã tham quan một số ngôi nhà thông minh và nhận thấy các thiết bị điều khiển đều được bố trí khéo léo để không ảnh hưởng tới tính thẩm mỹ của cả ngôi nhà.
Với sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp số, nhà thông minh ngày càng có cơ hội phát triển và có lẽ chỉ vài năm nữa sẽ khá phổ biến tại nước ta.
Chỉ với một thiết bị cầm tay, bạn hoàn toàn làm chủ được toàn bộ thế giới thu nhỏ của mình. Thế thì cớ gì bạn còn ngần ngại mà không đầu tư để biến tổ ấm của mình thành ngôi nhà thông minh?