Sáng 14-10, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) và Văn phòng Liên Hợp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC) đã phối hợp tổ chức chương trình tập huấn chuyên đề “Nâng cao nhận thức về an ninh mạng và lừa đảo qua mạng trong bối cảnh chuyển đổi số” tại Trường Đại học Luật TP.HCM. Sự kiện thu hút hơn 300 sinh viên, giảng viên và các chuyên gia tham dự.
Lừa tình, lừa tiền tăng cao
Ông Trần Huyền Dinh, Chủ nhiệm Ủy ban Ứng dụng Fintech của Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết, trong năm 2023, trên toàn cầu có hơn 69.000 khiếu nại liên quan đến lừa đảo tài sản mã hóa, gây thiệt hại lên đến 5,6 tỉ USD, tăng 45% so với năm trước.
Trong đó mô hình lừa đảo "Pig Butchering" chiếm phần lớn trong số này, với 3,96 tỉ USD, tương đương 71% tổng thiệt hại.
"Pig Butchering" là một mô hình lừa đảo tinh vi, trong đó kẻ lừa đảo xây dựng lòng tin với nạn nhân qua mạng xã hội hoặc ứng dụng hẹn hò. Sau đó sẽ dụ dỗ họ đầu tư vào các nền tảng tài chính giả mạo, khi nạn nhân đầu tư số tiền lớn, kẻ lừa đảo sẽ biến mất cùng toàn bộ tài sản.
Theo đó, công nghệ deepfake đang trở thành công cụ "hỗ trợ" đắc lực cho tội phạm giả mạo danh tính, khiến nạn nhân dễ dàng bị lừa và dẫn đến những tổn thất tài chính nghiêm trọng.
Bà Nguyễn Thị Như Trang, Cán bộ Chương trình Quốc gia về Tội phạm mạng, UNODC Việt Nam cũng cho biết, hiện nay các vụ lừa đảo trên mạng, đặc biệt là lừa đảo tài sản mã hóa nhắm tới nhiều đối tượng, đặc biệt là phụ nữ và các trẻ em gái.
Có một thống kê cho biết, tại Đông Nam Á, có tới 45% các vụ lừa đảo qua mạng nhắm tới lừa tình lừa tiền đối với phụ nữ và các trẻ em gái.
"Chính vì thế việc nhận biết các hình thức, cách phòng tránh lừa đảo cũng như xây dựng hệ thống pháp lý bảo vệ người dân trong bối cảnh số hóa là điều rất quan trọng” bà Trang cho biết.
Thông tin thêm, bà Vũ Thu Hồng, Cán bộ chương trình Phụ nữ, Hoà bình và An ninh, UN Women Việt Nam cho rằng, còn rất nhiều thách thức mà phụ nữ và trẻ em đang phải đối mặt trong không gian mạng.
"Các hành vi quấy rối và đe dọa trực tuyến ngày càng gia tăng, đặc biệt với những đối tượng dễ bị tổn thương.
UN Women kêu gọi cần có những biện pháp cụ thể để bảo vệ phụ nữ và trẻ em, đồng thời nâng cao nhận thức về các nguy cơ tiềm ẩn trong môi trường số"- bà Hồng nói.
Cần có biện pháp cụ thể
Theo TS. Thiếu tá Võ Tấn Lập, Phó Trưởng Khoa Cảnh sát hình sự, các đối tượng lừa đảo thường nhắm vào điểm yếu, nỗi sợ, hoặc sở thích, lòng tham của chúng ta như việc nhẹ lương cao, lòng trắc ẩn, hay chuyện tình cảm hứa hẹn...
Chính vì thế, TS Lập cho rằng việc nắm vững các cơ chế về thủ đoạn và cách phòng tránh sẽ giúp người dân và sinh viên giảm thiểu rủi ro và tăng cường khả năng tự bảo vệ.
Theo đó người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định pháp luật, khi phát hiện lừa đảo cần báo với cơ quan chức năng, báo cáo tin giả cho cổng thông tin tingia.gov.vn, cài đặt phần mềm chống lừa đảo, chặn tài khoản lừa đảo....
Bên cạnh đó thực hiện 5 không gồm: không tin, không làm theo, không sợ hãi, không sợ mất cơ hội, không giấu thông tin.
TS. Trần Thanh Thảo và ThS. NCS. Lê Trần Quốc Công từ Đại học Luật TP.HCM cũng bổ sung thêm, hiện nay pháp luật quốc tế và Việt Nam đều có các quy định pháp lý cho tội phạm mạng, đặc biệt là các hành vi lừa đảo tài sản mã hóa.
Về phía ứng dụng giải pháp công nghệ, ông Dinh cho biết, người dân có thể sử dụng giải pháp Chaintracer để giúp truy vết và phân tích các giao dịch tài sản mã hóa đáng ngờ. Công nghệ này sẽ giúp phát hiện sớm các hành vi gian lận và tăng cường tính minh bạch trong giao dịch, hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái blockchain an toàn hơn.
"Tới nay, Chaintracer đã hỗ trợ thu hồi hơn 2 triệu USD từ các vụ lừa đảo tại Việt Nam"- ông Dinh nói.
Trong khuôn khổ chương trình ABAII Unitour 12, Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo ABAII đã trao tặng 30 suất học bổng MasterTeck cho các sinh viên của Đại học Luật TPHCM.