Mặc dù không cho phép song nhiều người vẫn mua, bán tài khoản Facebook, Twitter
SocialSellouts là một trong những website góp phần tạo ra các “chợ” bán tài khoản mạng xã hội như Facebook và Twitter. Chỉ cần gõ tên tài khoản của bạn vào công cụ đánh giá của trang web, bạn sẽ có thể biết bạn “có giá” bao nhiêu. “Với 1.509 người theo, 3.624 lời “tweet”, 53 lời “tweet” được yêu thích, 933 bạn bè, tài khoản Twitter đó sẽ có giá từ 914 USD đến 1.524 USD”, SocialSellouts nói.
Rõ ràng, mạng xã hội không còn là trò chơi hay nơi chia sẻ ý kiến đơn thuần nữa. Đã có bóng dáng của đồng tiền len lỏi vào mỗi lần bấm “like”, mỗi lời “tweet” của người dùng.
Tại Mỹ, SocialSellouts không phải là nơi duy nhất để định giá các loại tài khoản mạng xã hội. Có một loạt các dịch vụ tương tự thế - như SNpros, Twirth, và BirdyCash. Malcolm Diggs, người điều hành các trang web này, nói ít nhất cũng có hơn 10 website định giá tài khoản mạng xã hội.
Không phải đến bây giờ tài khoản mạng xã hội mới được rao bán như một loại hàng hóa. Từ khoảng năm 2008, đã có người đưa tài khoản Twitter của họ rao bán trên trang mua sắm trực tuyến eBay hay trang rao vặt Craigslist, và một số website khác. Malcolm Diggs cho biết, anh vốn là người buôn bán chứng khoán và sau khi phát hiện ra hiện tượng trên, anh cảm thấy rất thú vị và quyết định sẽ theo đuổi ngành kinh doanh tài khoản mạng xã hội. Diggs bắt đầu lùng sục trong các website, ghi lại mức giá mà mọi người đưa ra cho tài khoản của họ. Anh làm việc này trong hàng tháng trời liền, từ tài khoản Twitter đến Facebook, LinkedIn, và Pinterest. “Hiện nay tôi đã có đơn giá của hàng ngàn, hàng ngàn tài khoản mạng xã hội, dữ liệu này cho phép tôi tạo ra khả năng đánh giá tài khoản trên các trang web Twirth, SocialSellouts, Snpros”, anh nói.
Twitter luôn luôn nói “không”
Các website định giá, mua bán tài khoản mạng xã hội của Diggs đều có phần cảnh báo. “Hãy lưu ý rằng theo quy định và điều kiện sử dụng của Twitter.com, không ai được phép bán tài khoản hay tên đăng nhập mà chưa được sự cho phép trước bằng văn bản của công ty Twitter Inc. Vì thế, báo cáo đánh giá này được tạo ra theo giả định rằng các tài khoản đã được Twitter cho phép. Nếu chưa có văn bản cho phép đó, giá trị thị trường của tài khoản không hề tồn tại”.
Quy định của Twitter viết rất đơn giản: “Bạn không thể mua hay bán tên đăng nhập Twitter” cũng như “bạn không thể tạo ra các tài khoản Twitter để bán”.
Thực tế, Twitter đã có chủ ý từ trước. Trang tiểu blog này đã đối mặt với đầy rẫy những người và công ty khai thác nền tảng Twitter của họ để kiếm tiền, và nhiều người đã mua người theo đuôi (follower), dùng các công cụ như Followgen, hay thậm chí chỉ là theo đuôi, nói lại và làm thân với bất kỳ người dùng Twitter nào có thể giúp tăng thứ hạng của họ. Có thể tự do mua và bán tài khoản sẽ làm giảm chất lượng của Twitter. Nó sẽ biến nền tảng này thành một thứ mà mọi người sẽ dùng bất cứ công cụ nào có thể để tạo ra một tài khoản “giá trị”, để rồi sau đó bán đi với mức giá cao cho ai đó không thực sự quan tâm đến cộng đồng và những người theo họ, mà chỉ muốn mua tài khoản Twitter “giá trị” nhằm mục đích quảng cáo.
Tất nhiên,Twitter luôn luôn nói “không” với các kiểu mua bán tài khoản. Song tình trạng đó vẫn diễn ra thường xuyên và phổ biến. Diggs cho biết: “Tôi có hàng ngàn người mua và người bán tài khoản Twitter liên lạc với tôi, điều đó có nghĩa có hàng ngàn người tiến hành giao dịch mua và bán tài khoản Twitter”.
Twitter luôn luôn nói “không”, họ đã nói “không” từ nhiều năm nay. Nhưng các website của Diggs vẫn ngày càng nổi tiếng và được nhiều người biết đến. Và tất cả các giao dịch mua bán tài khoản đều diễn ra bí mật, không liên quan gì đến Twitter, dù họ cho phép hay không!
Facebook cũng không thoát khỏi bị “làm tiền”
Facebook cũng có liên quan đến “chợ đen” này. Tuy nhiên, tình trạng mua bán tài khoản Facebook không “nặng đô” như với Twitter. Lý do là Facebook rất nhấn mạnh đến danh tính thực của người dùng. Facebook không cho phép người dùng tạo tài khoản dùng bí danh hay biệt hiệu, hoặc được ẩn danh. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa mọi người không thể tạo ra những tài khoản Facebook giả mạo.
Tuy vậy, việc bán tài khoản Facebook cũng khó khăn hơn bán tài khoản Twitter. Chắc chắn, một ai đó đã mua một hồ sơ Facebook luôn muốn mọi người để ý và theo dõi các cập nhật trên đó. Song nếu bạn gửi các cập nhật, thông tin đến bạn bè thân thiết và gia đình của tài khoản vừa mua, những thông điệp đó sẽ chỉ có nội dung kiểu như bạn đã bị hack và bắt đầu vô tình gửi các tin nhắn rác, quảng cáo đến mọi người.
Song Facebook là một mạng xã hội lớn nhất thế giới, và những kẻ kiếm tiền không thể bỏ qua nền tảng này, dù khó đến mấy. Các trang “fan-page” của Facebook thường được mua bán. Một người tạo ra một “fan-page” liên quan đến một sản phẩm, công ty hay một vấn đề gì đó được mọi người quan tâm, hoặc đón đầu một trào lưu nào đó của người dùng, và khi đã có nhiều thành viên, nhiều người “like”, họ sẽ bán nó. Nhưng những giao dịch đó còn bí mật hơn cả những giao dịch mua bán tài khoản Twitter, hầu như không có công cụ đánh giá nào để bạn có thể định giá tài khoản Facebook như Twitter.
Theo Bảo Bình (ICTNews / Digital Trends)