Mã độc là gì?
Mã độc (hay “Malicious software”) là một khái niệm chung dùng để chỉ các phần mềm độc hại được viết với mục đích xấu gây nguy hại cho người dùng. Phần mềm này được tạo ra và chèn vào hệ thống một cách bí mật với mục đích thâm nhập, phá hoại hệ thống hoặc lấy cắp thông tin, làm gián đoạn, tổn hại tới tính bí mật, tính toàn vẹn và sẵn sàng của máy tính nạn nhân.
Tùy thuộc vào cơ chế, hình thức lây nhiễm và phương pháp phá hoại mà người ta phân biệt mã độc thành nhiều loại khác nhau: virus, trojan, backdoor, adware, spyware... (mọi người hay bị nhầm lẫn với virus máy tính. Thực tế, virus máy tính chỉ là một phần trong khái niệm mã độc).
Mã độc gây nguy hại như thế nào?
Tất cả những người dùng máy tính, di động, các thiết bị IOT có kết nối Internet đều có thể trở thành nạn nhân của mã độc.
Với khách hàng cố định sử dụng máy tính PC, mã độc có thể chiếm quyền điều khiển máy tính, lấy cắp dữ liệu quan trọng, ảnh hưởng đến băng thông và chất lượng dịch vụ.
Với khách hàng di động, mã độc trên di động chủ yếu lấy cắp các dữ liệu nhạy cảm (như thẻ tín dụng, mật khẩu, nhật ký cuộc gọi, sms) và theo dõi khách hàng. Ngoài ra, một số trường hợp khách hàng mất tiền cước do mã độc đăng ký dịch vụ game, thực hiện cuộc gọi quốc tế.
Với thiết bị IOT, khách hàng có thể bị theo dõi, chiếm băng thông làm ảnh hưởng dịch vụ.
Giải pháp phòng chống mã độc và hành động bảo vệ khách hàng của Viettel
Tất cả người dùng máy tính, di động, các thiết bị IOT đều có thể trở thành nạn nhân của mã độc và hứng chịu những tác hại khủng khiếp của chúng. Vậy cách phòng chống mã độc như thế nào?
Thứ nhất, chỉ nên sử dụng các phần mềm bản quyền, chính hãng (không sử dụng các phần mềm crack, hack..). Không cài đặt các phần mềm lạ, không có tên tuổi, uy tín.
Thứ hai, luôn luôn cập nhật phiên bản phần mềm mới nhất khi có thông báo (hoặc để chế độ tự động cập nhật).
Thứ ba, sử dụng các phần mềm diệt virus và thường xuyên cập nhật cho phần mềm diệt virus.
Thứ tư, truy cập các website an toàn (không truy cập vào các website có nội dung không lành mạnh).
Thứ năm, nâng cao kiến thức về công nghệ, cập nhật thông tin về các loại mã độc và cách phòng tránh từ các phương tiện truyền thông.
Viettel đưa ra nhiều giải pháp bảo vệ khách hàng khỏi mã độc. Ảnh: Internet
Để chủ động bảo vệ khách hàng của mình, Viettel đã triển khai hàng loạt giải pháp như cung cấp phần mềm bảo vệ điện thoại cho khách hàng mang tên Viettel Mobile Security, giúp bảo vệ điện thoại của khách hàng trước mã độc kết hợp bảo vệ trên mạng lưới. Cùng với đó, Viettel giám sát cảnh báo các trường hợp kết nối tên miền độc hại, thiết lập cảnh báo mức mạng lưới, chủ động chặn các tên miền độc hại đã được các tổ chức uy tín công bố.
Tuy nhiên, trước hết mỗi khách hàng hãy là những người thông thái, chủ động lựa chọn các phương thức bảo vệ mình trước khi phải hứng chịu những hậu quả không mong muốn từ mã độc.