Người dùng mạnh tay chi tiền cho các sản phẩm công nghệ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(PLO)- Theo dữ liệu của Payoo, quý 3 là mùa tăng trưởng doanh thu hàng năm của ngành công nghệ khi nhu cầu mua điện thoại, laptop và máy tính bảng gia tăng dịp tựu trường.

1. Tăng chi tiêu thiết yếu và chăm sóc sức khỏe

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT), tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3 ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước. Con số này tăng lên hàng quý (quý 1 tăng 3,28%, quý 2 tăng 4,05% và quý 3 tăng 5,33%) đã thể hiện xu hướng tích cực của nền kinh tế và niềm tin của người tiêu dùng phần nào đã trở lại.

Tuy vậy, mức độ tăng trưởng GDP này chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023. Nền kinh tế có khởi sắc nhưng vẫn sẽ mất một khoảng thời gian dài tiếp theo để người dùng có thể chi tiêu thoải mái.

Điểm sáng là đa phần người dân đã trở nên nhạy bén hơn, chủ động và linh hoạt tùy biến mức chi tiêu của mình theo tình trạng kinh tế hiện tại.

Về phương diện thanh toán, đây cũng là giai đoạn vàng để các hình thức thanh toán không tiền mặt mới được phổ biến rộng rãi và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ người dùng ở nhiều địa phương, nhiều tầng lớp.

Theo báo cáo thị trường FMCG Việt Nam của Kantar phát hành quý 2 vừa qua, hơn 1/4 các hộ gia đình vẫn đang đối mặt với khó khăn về tài chính. Từ quý 4 năm 2019 đến quý 2 năm 2023, số lượng gia đình phải cắt giảm chi tiêu đã tăng đáng kể từ 19% lên 28%.

Quý 3 vừa qua, dù tín hiệu kinh tế đã ổn định hơn nhưng tâm lý lo ngại về công việc và thu nhập vẫn tồn tại, người dùng vẫn cắt giảm chi tiêu để đầu tư vào những giá trị cốt lõi như hàng hoá thiết yếu và tập trung chăm sóc sức khoẻ.

Dữ liệu của Payoo cho thấy, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và cửa hàng chuyên doanh đang có tốc độ tăng trưởng khá. Giao dịch tại quầy của nhóm này tăng trưởng 14% về số lượng và 20% về giá trị so với quý trước, và tăng gần 40% về cả số lượng và giá trị kể từ đầu năm nay.

Chi tiêu mua sắm của người tiêu dùng đang tăng trở lại. Ảnh: TIỂU MINH
Chi tiêu mua sắm của người tiêu dùng đang tăng trở lại. Ảnh: TIỂU MINH

Trong khi đó, các giao dịch trực tuyến giảm 12% và số lượng và 11% về giá trị so với quý trước. Điều này cho thấy thói quen mua sắm của người tiêu dùng tại các siêu thị, cửa hàng chuyên doanh không còn duy trì mua trực tuyến như thời điểm sau dịch mà trở lại mua sắm trực tiếp tại cửa hàng.

Một trong những nguyên nhân của tình hình khởi sắc nhóm siêu thị, cửa hàng tiện lợi có thể xuất phát từ Chính sách giảm thuế VAT của Chính phủ từ 10% xuống 8% từ 1-7-2023, các chính sách bán hàng kích cầu riêng của nhiều doanh nghiệp bán lẻ, cộng hưởng với chương trình ưu đãi cho mùa tựu trường khi phụ huynh tranh thủ sắm sửa những vật dụng cho trẻ bước vào năm học mới.

Mua sắm trực tuyến đã trở thành xu hướng trong vài năm trở lại đây. Ảnh: TIỂU MINH
Mua sắm trực tuyến đã trở thành xu hướng trong vài năm trở lại đây. Ảnh: TIỂU MINH

2. Người dùng mạnh tay chi tiền cho các sản phẩm công nghệ

Đầu quý 3 cũng là mùa tăng trưởng doanh thu hàng năm của nhóm ngành công nghệ khi nhu cầu mua điện thoại, laptop và máy tính bảng gia tăng dịp tựu trường.

Bên cạnh đó, các chiến dịch cạnh tranh về giá tác động trực tiếp đến túi tiền người tiêu dùng được các nhà bán lẻ công nghệ đồng loạt triển khai như: “Giá rẻ quá”, “Ở đâu giá rẻ, ở đây rẻ hơn”, “Rẻ hơn các loại rẻ” đã phần nào giúp ngành công nghệ tăng trưởng trở lại so với kết quả kinh doanh kém khả quan trong 2 quý đầu năm.

Dù nửa đêm nhưng iPhone 15 series vẫn thu hút người dùng đam mê công nghệ. Ảnh: TIỂU MINH
Dù nửa đêm nhưng iPhone 15 series vẫn thu hút người dùng đam mê công nghệ. Ảnh: TIỂU MINH

Tổng kết quý 3, đối với các giao dịch trực tuyến được thực hiện trên website và ứng dụng di động, nhóm ngành công nghệ tăng 42% về số lượng, 19% về giá trị so với quý trước. Giao dịch tại quầy tăng gấp 2 về số lượng và giá trị so với quý trước, nhưng so với cùng kỳ năm trước chỉ tăng khoảng 15%.

Trong đó, giao dịch những ngày cuối tháng 9 tăng đột biến nhờ đợt mở bán chính thức iPhone 15 series, sản phẩm được những người yêu thương hiệu Apple chờ đón từ lâu.

Một trong những xu hướng được ghi nhận từ quý 2 và tiếp tục duy trì đến nay là người dân quan tâm nhiều hơn đến việc chăm sóc sức khoẻ.

Trong quý 3, lượng giao dịch ở nhóm các sản phẩm wellness, dược phẩm, thực phẩm chức năng tăng 42% so với quý trước trên kênh online, và tăng 20% trên kênh POS tại quầy. Cùng với đó, lượt mua các gói chạy, đạp xe với các đối tác giải thể thao, chạy bộ cũng ghi nhận mức tăng trưởng tốt.

Đi ngược dòng với nhóm sản phẩm dịch vụ thiết yếu, các nhóm sản phẩm dịch vụ không thiết yếu đều giảm nhiệt. Cụ thể, nhóm Gym và Fitness, làm đẹp, spa, mỹ phẩm giảm khoảng 10-20% về cả số lượng và giá trị so với quý trước.

Đọc thêm