Black Friday là ngày thứ Sáu ngay sau lễ Tạ ơn (tháng 11) và được coi là ngày mở hàng cho mùa mua sắm tấp nập nhất ở Mỹ. Ngày đặc biệt này có xuất xứ từ tình trạng kẹt xe xảy ra vào ngày thứ Sáu sau lễ Tạ ơn năm 1965 ở Philadelphia, khi hàng trăm ngàn người Mỹ chen chúc nhau, đen kịt các con phố, vỉa hè đi mua sắm để sửa soạn cho lễ Noel sắp đến.
Để kích thích nhu cầu mua sắm dịp gần Noel và cuối năm, nhiều cửa hàng và trang web đã không ngần ngại giảm giá mạnh các sản phẩm lên đến 90%, mặt khác cũng là để xả bớt hàng tồn kho tại các cửa hàng cũng như trung tâm mua sắm. Tuy nhiên, không ít nơi vẫn sử dụng chiêu nâng giá sản phẩm trước đó vài ngày, sau đó công bố giảm giá hoặc xả hàng để thu hút người dùng. Thực tế cho thấy, mức giá này không hề giảm, thậm chí còn cao hơn một số nơi khác.
Hầu như tất cả trang thương mại điện tử (TMĐT) lớn tại Việt Nam hay trên thế giới đều gặp phải tình trạng này, dù đã áp dụng nhiều phương thức nhưng chỉ có thể hạn chế chứ không chặn được hoàn toàn.
Khi thử tìm kiếm từ khóa MacBook 12 inch (2017) trên một trang TMĐT, kết quả trả về cho thấy sản phẩm này được giảm đến 17% (khoảng 7,2 triệu đồng) so với giá thị trường, đẩy mức giá hiện tại xuống chỉ còn 36,6 triệu. Tuy nhiên, trên thực tế thì sản phẩm này còn được bán rẻ hơn tại một số cửa hàng, tức là không hề có chuyện khuyến mãi ở đây. Người bán đã lập lờ bằng cách tăng giá, sau đó công bố giảm giá ảo.
Tình trạng này không chỉ xảy ra trên các trang TMĐT mà còn xuất hiện hàng ngày trên Facebook (thông qua các bài đăng được quảng cáo). Đơn cử như hộp vặn ốc vít (hình bên dưới) chỉ có giá khoảng 80.000 đồng, tuy nhiên, nhiều mẩu quảng cáo lại nâng giá sản phẩm lên 440.000 đồng, sau đó công bố giảm 50%. Việc này đã khiến nhiều người bị mắc lừa và tốn tiền gấp đôi cho một sản phẩm giảm giá ảo.
Bên cạnh đó, pin dự phòng dỏm cũng là một trong những sản phẩm thường xuyên được quảng cáo trên Facebook. Cụ thể, người dùng chỉ cần để lại số điện thoại trong các mẩu tin rao bán là ngay lập tức sẽ có người gọi điện đến xác nhận, chốt giá và bắt đầu giao hàng.
Chỉ cần dạo sơ trước cổng vài trường đại học, bạn sẽ bắt gặp các gian hàng “di động” bày bán những mặt hàng này, cụ thể một cục pin dự phòng Samsung 28.000 mAh chỉ có giá khoảng 200.000 đồng, lại còn được tặng kèm tai nghe và cáp sạc đa năng.
Được biết Samsung không hề sản xuất loại pin dự phòng có dung lượng cao và mẫu mã như vậy. Công ty hiện chỉ bán loại pin dự phòng 5.200 mAh có lớp vỏ ngoài bằng kim loại với mức giá 1.190.000 đồng, ngoài ra còn có một phiên bản vỏ giả da có dung lượng nhỏ hơn là 3.200 mAh chỉ dùng để tặng khi khách hàng mua các smartphone cao cấp của hãng.
Đa phần các loại pin dự phòng bị làm giả đều thuộc các thương hiệu nổi tiếng như Samsung, Romos hay Xiaomi. Pin dự phòng giả thường sử dụng các cell pin kém chất lượng và không rõ nguồn gốc, thậm chí còn nhét cát vào cho đủ trọng lượng.
Do đó, để tránh mua nhầm phải hàng giả hoặc hàng giảm giá ảo, bạn đọc nên kiểm tra giá sản phẩm thông qua một số trang web so sánh như http://websosanh.vn/ hoặc http://www.sore.vn/.
Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết cho nhiều người cùng biết hoặc để lại bình luận khi gặp rắc rối trong quá trình sử dụng.