Những giải pháp giúp các ngân hàng số vượt qua khó khăn

Theo báo cáo của Boston Consulting Group, ngân hàng kỹ thuật số đang đánh dấu một thời kỳ phát triển vượt bậc ở Đông Nam Á. Kể từ năm 2015, số lượng ngân hàng kỹ thuật số đã tăng 190%, một phần nhờ sự khuyến khích thúc đẩy của Chính phủ và các cơ quan quản lý.

Hiện tại, các ngân hàng truyền thống cũng đang dần số hóa, bên cạnh đó là sự phát triển của các ứng dụng tài chính, ví điện tử... khiến thị trường trở nên đông đúc và tạo nên cuộc chạy đua khốc liệt.

Nhìn vào mặt tích cực, sự cạnh tranh tạo động lực giúp toàn ngành cùng phát triển và xây dựng xã hội không tiền mặt tại các nước trong khu vực châu Á.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, có đến 95% tổ chức tín dụng đã, đang hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số.

Dự kiến trong vòng 3-5 năm tới, các ngân hàng số sẽ có mức tăng trưởng doanh thu tối thiểu là 10%, và có 58,1% tổ chức tín dụng đặt kỳ vọng thu hút hơn 60% khách hàng sử dụng kênh giao dịch số, kỳ vọng tỉ lệ tăng trưởng khách hàng đạt trên 50%.

Điều này cho thấy, mức độ chuyển đổi số trong ngành ngân hàng tại Việt Nam đang có dấu hiệu chuyển biến mạnh mẽ.

Mục tiêu của các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) có vốn nhà nước là chuyển đổi số toàn hệ thống. Trong khi đó các ngân hàng nhỏ hơn sẽ tập trung vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng.

chuyen-doi-so

Chia sẻ về cơ hội phát triển ngân hàng số tại Việt Nam trong thời gian tới, ông Nguyễn Quang Minh - Phó Tổng giám đốc phụ trách Quan hệ đối tác chiến lược, Ngân hàng số Timo cho rằng: "Những rào cản mà các ngân hàng số phải đối mặt trong giai đoạn này có thể kể đến như các quy định pháp lý, quản lý rủi ro, đảm bảo nguồn vốn, nâng cấp hệ thống…

Nhưng trên hết, rào cản lớn nhất với ngân hàng số chính là làm thế nào có thể xây dựng được lòng tin từ khách hàng. Ngoài việc am hiểu thị trường, nhu cầu mong đợi của khách hàng, quan trọng hơn là phải xác định được những vấn đề, khó khăn mà họ đang gặp phải mỗi ngày trong từng giao dịch".

Là một người dày dặn kinh nghiệm trong việc xây dựng ngân hàng số và fintech, Ông Phạm Quang Minh - Tổng giám đốc Mambu Việt Nam nêu quan điểm: "Kỳ vọng của khách hàng về dịch vụ ngân hàng di động và trực tuyến tăng cao thay thế các dịch vụ truyền thống là động lực thúc đẩy các nhà cung cấp dịch vụ tài chính chuyển đổi số mang lại những trải nghiệm ngân hàng mới.

Để hiện thực mô hình lấy khách hàng làm trung tâm, đây là thời điểm phù hợp không chỉ nói về dịch vụ ngân hàng mọi lúc mọi nơi và hướng tới ngân hàng thông minh với những trải nghiệm cá nhân hóa cho người dùng".

ngan-hang-so

Đồng quan điểm này, theo Ông Phan Việt Hải - Giám đốc Công nghệ thông tin kiêm Giám đốc Trung tâm ngân hàng số, Ngân hàng TMCP Bản Việt cho rằng: "Ngân hàng số phải tạo được trải nghiệm khách hàng vượt trội thông qua quá trình xây dựng lại cách thức cung cấp và vận hành dịch vụ trên nền tảng công nghệ.

Điều này cho thấy rằng việc gia tăng trải nghiệm khách hàng giữ một vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của các ngân hàng số hiện nay tại Việt Nam".

Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình chuyển đổi số ngành ngân hàng vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Theo Ông Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: "Các khó khăn chính yếu của quá trình chuyển đổi số là quy định pháp lý về giao dịch điện tử, chữ ký, chứng từ điện tử, việc định danh và xác thực khách hàng điện tử, chia sẻ dữ liệu, bảo mật thông tin, quy trình nghiệp vụ với thực tiễn ứng dụng công nghệ số trong ngân hàng.

Không chỉ vậy, việc chuẩn hóa hạ tầng kỹ thuật cũng rất quan trọng để tạo thuận lợi cho kết nối liên thông, tích hợp liền mạch giữa ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành hệ sinh thái số".

Đọc thêm