Sáng nay (ngày 4-3), một cây xanh lớn trong khuôn viên trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1, TP.HCM) đã bất ngờ bật gốc, đổ chắn ngang đường. Vụ việc khiến một số người bị thương phải đi cấp cứu.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra các vụ bật gốc cây, gây thương tích cho mọi người. Trước đó vào năm 2020, một cây phượng ở trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM) cũng bị bật gốc vào ngày 26-5, khiến một học sinh tử vong và 12 học sinh khác bị thương.
Để tạo thuận lợi cho việc xác định địa điểm trồng, theo dõi, quản lý và chăm sóc cây xanh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Trần Hồng Hà cho biết đã triển khai cơ sở dữ liệu bản đồ cây Việt Nam. Ứng dụng sẽ thu thập, phân tích dữ liệu cây xanh… từ đó tạo nên kho dữ liệu lớn về cây xanh ở Việt Nam.
Tại các quốc gia khác, chẳng hạn như Hồng Kông, chính phủ đã đưa ra một số kế hoạch thí điểm sử dụng công nghệ trong việc quản lý cây xanh nhằm nâng cao chất lượng và cải thiện độ an toàn.
Đánh giá rủi ro trước mùa mưa
Hàng năm trước khi bắt đầu mùa mưa, các bộ phận quản lý cây xanh phải hoàn thành việc kiểm tra, đồng thời thực hiện các biện pháp giảm thiểu rủi ro, chẳng hạn như cắt tỉa cành nhánh và triển khai các công nghệ hỗ trợ. Bên cạnh đó, những cây bị bệnh cũng cần phải được chữa trị hoặc loại bỏ càng sớm càng tốt để đảm bảo an toàn công cộng.
Ông TSANG Kwok-on, Cán bộ quản lý cây xanh thuộc Cục Phát triển Hồng Kông, cho biết nhân viên kiểm tra sẽ đánh giá các bộ phận khác nhau của cây, bao gồm tán, lá, cành, thân, rễ và môi trường xung quanh của cây...
Nhân viên cũng sẽ sử dụng các dụng cụ hỗ trợ, ví dụ sử dụng vồ nhựa gõ vào thân cây để đánh giá tình trạng cấu trúc của cây và sử dụng ống nhòm để quan sát tình trạng phát triển của các cành lá cao hơn.
Nếu cần thiết, nhân viên kiểm tra sẽ trèo lên cây để kiểm tra các bộ phận ẩn từ nhiều góc độ khác nhau. Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ có vấn đề về cấu trúc, họ sẽ sử dụng máy đo điện trở hoặc máy chụp cắt lớp siêu âm (trong hình) để kiểm tra tình trạng cấu trúc bên trong của cây.
Ứng dụng công nghệ cảm biến thông minh trong quản lý cây xanh
Trong điều kiện thời tiết bất lợi như mưa bão, việc cây cối bị thiệt hại ở các mức độ khác nhau là điều khó tránh khỏi.
Một nhóm nghiên cứu được thành lập bởi Cục phát triển, Đại học Bách khoa Hồng Kông (PolyU) và các tổ chức đại học khác đang tiến hành Dự án quản lý cây xanh thành phố thông minh Jockey Club trong 3 năm để theo dõi sự ổn định của cây trên quy mô lớn thông qua công nghệ cảm biến thông minh và Hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System - GIS).
Nhóm nghiên cứu sẽ đánh giá rủi ro gãy đổ của cây bằng cách theo dõi tình trạng lắc lư hoặc nghiêng của cây, từ đó tăng cường quản lý rủi ro đối với cây.
Tiến sĩ WONG Man-sing, Charles, Phó Giáo sư Khoa Khảo sát Đất đai và Địa tin học của PolyU, cho biết các cảm biến được lắp đặt ở các thân cây thấp hơn để đánh giá góc nghiêng và hướng của cây, dữ liệu sau đó sẽ được gửi đến trung tâm dữ liệu của trường ĐH thông qua đường truyền mạng để phân tích dữ liệu lớn.
Nếu góc nghiêng của thân cây phía dưới vượt quá ngưỡng cho phép, hệ thống sẽ ngay lập tức gửi cảnh báo đến các bên được chỉ định để thực hiện các biện pháp giảm thiểu rủi ro kịp thời và phù hợp.
Tiến sĩ WONG cho biết kế hoạch thí điểm Công nghệ cảm biến thông minh đã bắt đầu vào tháng 2-2019. Ban đầu sẽ có tổng cộng khoảng 8.000 cây được lắp đặt cảm biến ở Tai Tong, Wan Chai và Kowloon East (Hồng Kông). Các cây này chủ yếu nằm ở các khu vực có nhiều người đi bộ và lưu lượng giao thông như vỉa hè, dốc và công viên.
Sử dụng drone (thiết bị bay không người lái) để quản lý cây xanh
Canada có gần 362 triệu ha rừng, nhưng biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực đến sức khỏe và năng suất của cây cối.
Ingo Ensminger, phó giáo sư sinh học tại ĐH Toronto Mississauga và nhóm của ông đã phát triển một công nghệ dựa trên drone (thiết bị bay không người lái ), được đặt tên là dự án FastPheno, đánh giá từ xa hiện tượng quang hợp và sức khỏe của thực vật.
Ông nói: “Hầu hết những người sử dụng drone đều cố gắng đo chiều cao và kích thước của tán cây, kiểm kê. Mục tiêu của chúng tôi thì khác, chúng tôi cố gắng đánh giá sức khỏe và thể chất cũng như hiệu suất tổng thể được biểu thị bằng khả năng loại bỏ CO2 khỏi khí quyển của thảm thực vật khi chúng quang hợp”.
Ensminger gần đây đã được Genome Canada, một tổ chức phi lợi nhuận độc lập, được liên bang tài trợ, trao tặng 4,7 triệu USD tài trợ cho dự án FastPheno.
Một khu rừng ở Quebec đang được thử nghiệm quản lý bằng drone. Ảnh: Éric Dussault |