Công nghệ đăng kiểm phương tiện có thể khác nhau ở từng quốc gia, tuy nhiên, hầu hết các nước đều áp dụng hệ thống tự động và thủ công.
Tại Mỹ, quy định đăng kiểm xe có thể thay đổi tùy theo luật của từng bang, tuy nhiên hầu hết mọi thứ đều liên quan đến mức độ khí thải và an toàn kỹ thuật của xe.
Các tính năng an toàn thường được kiểm tra bao gồm hệ thống lái, hệ thống phanh, kính chiếu hậu, dây an toàn, bình xăng… và một số yếu tố khác liên quan đến đèn xe, mức độ khí thải, lốp xe.
Công nghệ tự động giúp giảm thời gian đăng kiểm. Ảnh minh họa |
Trong khi đó tại Nhật Bản, ô tô sẽ được kiểm tra thông qua quy trình được gọi là Shaken. Các hệ thống này sẽ được lắp đặt máy đo khí thải và một số thiết bị khác để kiểm tra tính an toàn, tuổi thọ của các bộ phận trên xe.
Thông thường, các hạng mục được kiểm định sẽ bao gồm đèn, ống xả, ngoại thất, gầm… Việc “độ” thêm phụ kiện và làm tăng kích thước xe được xem là không hợp lệ. Tương tự như tại Việt Nam, các xe không đáp ứng tiêu chuẩn kiểm định phải đem đi sửa chữa, thay đổi lại cho phù hợp.
Hệ thống đăng kiểm tại Hàn Quốc cũng sử dụng các thiết bị tự động đo khí thải, mức độ an toàn của từng loại xe... Thông thường, quá trình kiểm định tại Hàn Quốc sẽ mất khoảng 30 phút, người dân nên đặt lịch trước để tiết kiệm thời gian và công sức đi lại.
Tại Trung Quốc, hệ thống đăng kiểm xe tự động sẽ sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt, giọng nói để xác định thông tin chủ sở hữu phương tiện. Sau đó, các thiết bị đo kiểm tự động sẽ bắt đầu kiểm tra, đánh giá tính an toàn và khí thải của xe.
Lưu ý, không phải tất cả các quốc gia trên thế giới đều sử dụng công nghệ đăng kiểm xe tự động. Một số quốc gia vẫn sử dụng các phương pháp thủ công, trong đó kỹ thuật viên sẽ kiểm tra bằng tay và không sử dụng máy đo tự động.
Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã chính thức ban hành Thông tư 02/2023 về sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Thông tư 16/2021, liên quan đến việc miễn kiểm định đối với ô tô mới và kéo dài thời gian kiểm định của nhiều loại xe.