Năm 2017, nhiều hãng smartphone đang đua nhau đưa ra những mẫu thiết bị có màn hình tràn viền với những tên gọi khác nhau, như FullView, edge-to-edge display, FullVision, Full Screen. Và đây chính là một cuộc chạy đua mới trên thị trường thiết bị di động. Ngay sau xu hướng camera kép là xu hướng tràn màn hình.
Cuộc chạy đua nới màn hình
Thật ra màn hình tràn hay màn hình không có đường viền đã xuất hiện từ mấy năm gần đây trong các thiết bị điện tử có màn hình như TV, màn hình máy tính, máy tính xách tay,… Nhưng đụng chạm tới nhiều người nhất vẫn là những chiếc smartphone không đường viền.
Hãng Sharp (Nhật Bản) từ năm 2014 đã đi tiên phong với chiếc smartphone Aquos Crystal hầu như không còn đường viền ở trên và hai bên, lúc đó gọi là màn hình edge-to-edge display. Các nỗ lực của hầu hết các hãng trong xu hướng xóa đường viền màn hình, thậm chí cho tới hiện nay chủ yếu là thu hẹp bề dày đường viền hai bên để giúp thiết bị gọn hơn mà không thay đổi kích thước màn hình hay độ phân giải. Chúng vẫn là Full HD (1080 x 1920 pixel) hay WQHD (1440 x 2560 pixel). Ngay cả Aquos Crystal tràn cả ba cạnh cũng chỉ là màn hình HD 720 x 1280 pixel. Phải đến khi Xiaomi hồi tháng 10-2016 đưa ra smartphone Mi MIX màn hình all-screen FHD+ (1080 x 2040 pixel) tỉ lệ 17:9 “phá bung” cả ba đường viền trên đầu và hai bên thì kích thước màn hình mới được mở rộng hơn. Sau đó LG vào tháng 2-2017 có smartphone G6 màn hình FullVision WQHD+ (1440 x 2880 pixel) và Samsung tháng 3-2017 với Galaxy S8 màn hình vô cực WQHD+ (1440 x 2960 pixel).
Ở Galaxy S8, Samsung đã có một cách làm chưa từng có với gia đình smartphone Galaxy là loại bỏ những thành phần truyền thống xưa nay nằm ở hai đầu màn hình như logo ở phía trên và nút Home cơ ở phía dưới để thu hẹp hai cạnh trên và dưới màn hình, nới rộng màn hình về hai phía trên và dưới. Màn hình S8 chuẩn WQHD+ với độ phân giải 1440 x 2960 pixel (dài hơn bình thường).
Huawei cũng tham gia xu hướng tràn màn hình với smartphone Nova 2i có màn hình FullView với độ phân giải 1080 x 2160 pixel. Xiaomi đưa ra phiên bản thứ hai của Mi MIX ra đời năm ngoái với màn hình all-screen. Mi MIX 2 có kích thước 5.99 inch với độ phân giải FHD+ (1080 x 2160 pixel) và tỉ lệ 18:9.
Chiếc điện thoại của Sharp từng được xem là bước đột phá tràn viền nhưng giờ mọi thứ đã thay đổi đến chóng mặt. Ảnh: INTERNET
Nhiều trải nghiệm mới lạ
Cho tới nay trên thị trường chỉ mới thấy có dòng Sharp Aquos và Xiaomi Mi MIX là bung cả ba cạnh màn hình. Các smartphone tràn màn hình khác chỉ thu hẹp đường viền ở hai bên và nới rộng ở hai đầu.
Có những người đánh giá rằng thiết kế tràn màn hình thiết thực với người tiêu dùng hơn là camera kép. Rõ ràng là thiết kế không đường viền giúp thu gọn thân máy, còn màn hình tràn vừa không đường viền vừa có thể mở rộng diện tích hiển thị mà không phải làm phình to thân máy. Chẳng hạn, Samsung Galaxy S8 màn hình 5.8 inch có kích thước 148,9 x 68,1 x 8 mm vẫn thon gọn hơn Galaxy Note5 màn hình 5.7 inch có kích thước 153,2 x 76,1 x 7,6 mm.
Màn hình được mở rộng hơn sẽ giúp thiết bị hiển thị tốt hơn, nhất là trong chế độ chia đôi màn hình. Nó đặc biệt hỗ trợ cho việc xem video và chơi game với trải nghiệm khung hình hiển thị rộng rãi hơn. Tỉ lệ màn hình 18:9 cũng gần hơn với tỉ lệ màn hình điện ảnh Hollywood 21:9 ở công nghệ phim CinemaScope.
Chỉ có điều hiện nay chưa có bao nhiêu ứng dụng hay phim ảnh hỗ trợ chuẩn màn hình 18:9. Các nội dung chuẩn 16:9 hiện có sẽ cần phải được kéo giãn hay cắt lại cho phù hợp với tỉ lệ hiển thị mới.
Bất luận thế nào, việc mở rộng thêm diện tích hiển thị mà không làm cho thiết bị to xác thêm là một sự nâng cấp công nghệ thiết thực cho người dùng. Nó được đánh giá cao giữa vô số tính năng mới chủ yếu mang tính quảng cáo, chạy đua giữa các đối thủ.
Vẫn có vài bất lợi Màn hình tràn và cong các cạnh, các góc vẫn có một số bất tiện như cần bảo quản kỹ hơn, nhất là khi đút túi, do giảm bề dày khung màn hình bảo vệ. Đặc biệt là dễ chạm tay sơ ý do màn hình tràn lấn ra hai bên. Người dùng cũng sẽ cực kỳ khó dán miếng kính bảo vệ hơn dù đây là giải pháp mà nhiều người yêu thích lựa chọn. |