Đã từ lâu Google đã không còn là chính… Google! Tại sao tôi lại nói như vậy? Hãy nhìn cách mà gã khổng lồ lấn át qua các mảng khác như Youtube, Google+, Gmail,… hay các lĩnh vực không hoàn toàn thuộc về công nghệ như xe tự hành, khinh khí cầu phát wifi,.. cho đến những ngành công nghiệp không liên quan đến công nghệ (hay ít nhất chúng ta sẽ không thấy sự hiện hữu của chúng trong cuộc sống hàng ngày) như cối xây gió, hạt nano nhận biết bệnh truyền nhiễm, thu thập thông tin di truyền về cơ thể người… Đó là lí do tại sao tôi nói Google không còn là chính mình nữa. Thiên hướng phát triển của công ty này đang lan rộng đến những góc xa xôi nhất mà một tập đoàn về công nghệ có thể đạt được. Tức là Google đã và đang đi dến giới hạn của bản thân, không phải là về doanh số sản phẩm hay sự xuống phong độ ở một lĩnh vực nào đó, mà nó đang đi đến giới hạn vô hình mà chính những nhà sáng lập nó đã tạo ra khi mới thành lập cỗ máy tìm kiếm khổng lồ này.
Google không còn là chính mình nữa...
Nhưng họ, Larry Page và Sergey Brin không muốn dừng cuộc vui này tại đây. Khi bữa tiệc đang dần đến hồi kết, họ lại lập nên một buổi… tất niên khác để tiếp tục chuyến hành trình của họ. Alphabet, tôi nghĩ, chính là “bữa tiệc” khác mà hai nhà sáng lập trẻ trên tạo ra, không những tiếp tục những tham vọng của họ trên lĩnh vực công nghệ thông tin, mà còn dấn sâu hơn vào những lĩnh vực khác. Tại sao lại mất công xây dựng nên một thương hiệu hoàn toàn mới, mà không dùng lại cái tên Google đã quá nổi tiếng và ăn sâu vào tiềm thức của tất cả những người biết đến máy tính (ngay cả mẹ tôi, người không biết dùng PC còn biết đến Google)? Câu trả lời có lẽ nằm ở “cái bóng”! Thế cái bóng là gì mà cả hai lại sợ đến vậy? Quay về thời kì sáng lập nên Google với duy nhất một chức năng: tìm kiếm thông tin trên internet. Bằng những thuật toán tìm kiếm vô cùng thông minh và chính xác, Google đã nhanh chóng trở thành công cụ tìm kiếm phổ biến nhất thế giới. Và khi đã đạt đến độ chín muồi, Google bắt đầu “sinh tiền” thông qua quảng cáo, nhanh chóng trở thành ông hoàng của công nghệ với doanh thu hàng tỉ đô la. Không dừng lại ở đó, thương vụ mua lại Youtube – mạng xã hội video lớn nhất hành tinh, hay tạo ra hệ điều hành Android – đối thủ lớn và xứng tầm nhất của iOS ở thời điểm hiện tại, chính là minh chứng rõ ràng cho sức mạnh khổng lồ của Google. Họ tạo ra thế giới của riêng họ, của riêng những nhà sáng lập, nơi mà chúng ta PHẢI phụ thuộc (tôi nhấn mạnh chữ phải) quá nhiều, bởi vì hãy tưởng tượng nếu không có Google (hay Youtube) thì chắc chắn Internet không còn là Internet nữa. Hai nhà sáng lập Google đã tạo nên “Trái Đất” thứ 2, họ tạo ra “đất” (Google) và “nước” (Youtube), những thứ khác như Facebook, Twitter,.. thì như “rừng và núi” vậy, chúng ta (những con mọt công nghệ) chỉ là những người “sinh sống” trên hành tinh này mà thôi. Nhưng đó chính là giới hạn chết người của Google, nó không thể tiến xa hơn được nữa, “đất” không tự sinh ra, “nước” cũng vậy. Chính vì thế, cái cần thiết nhất hiện nay, chính là công cụ để tạo nên những thứ khác, thần thánh hơn và đầy sức mạnh hơn nữa. Không thể tiếp tục dùng cái tên Google, bởi vì mặc định trong tiềm thức của chúng ta, Google là tìm kiếm, là công cụ, là thứ để chúng ta khai thác và sử dụng. Hãy nhìn vào Google X – phòng Lab bí mật của Google nơi những phát minh điên rồ nhất được tạo ra, nhưng rất ít trong số chúng đạt được thành công, hay ít nhất, là được mang đi sử dụng ở trong cuộc sống. Để tiến xa hơn, Lary Page cần một không gian thoáng đãng hơn, một phòng làm việc rộng lớn hơn, nơi mà ý tưởng của ông và những cộng sự không phải bó buộc với ý nghĩ tạo ra “công cụ” nữa. Những sản phẩm của Alphabet sau này (dưới danh nghĩa công ty này, hoặc Google) sẽ không còn là những sản phẩm công nghệ, mà đó có thể là cánh cửa tự động mở ra khi bạn về, màn hình tivi tự động bật lên khi bạn ngồi vào ghế sofa bên tách trà nóng, cánh tay robot tự động thực hiện những thao tác phẫu thuật như con người, hay, một trí thông minh có thể trả lời mọi thắc mắc của nhân loại mà không cần mất quá nhiều thời gian chờ đợi và suy nghĩ như con người nữa. Đó chính là Alphabet, đó chính là Genisys phiên bản thật, dù muốn hay không, nhưng chúng ta hãy chấp nhận thực tế, Alphabet đã thoát khỏi cái bóng “Google”, giống như con bướm thoát xác từ con nhộng vậy. Con bướm lộng lẫy, nhưng thật khó để bắt, sẽ mang đến cho chúng ta những thứ tưởng chừng chỉ xuất hiện trên phim ảnh, những công nghệ điên rồ nhất, và cuộc sống THẬT của bạn sẽ phải phụ thuộc vào nó,… Hãy tưởng tượng cảm giác bạn không có mạng internet, sau đó nhân nó lên N lần, chắc chắn đó là cảm giá khi chúng ta quá lệ thuộc vào một thứ có thật trong cuộc sống (như người yêu chẳng hạn). Đó chính là ý tưởng của Alphabet (hoặc của tôi), tạo ra thứ mà bạn phải phụ thuộc vào ngay cả trong cuộc sống thật, tất nhiên đó có thể là tốt hoặc xấu. Còn một giả thiết về lí do thành lập công ty mẹ Alphabet nữa, theo tôi, đó chính là duy trì sự “thuần khiết” của Google, bản thân của bộ máy tìm kiếm cần một sự “trong sạch” nhất định nếu muốn tồn tại lâu dài. Hãy nhìn cách mà Microsoft hay Nokia phải chật vật đến thế nào khi đánh mất dần bản sắc của công ty qua nhiều thế hệ lãnh đạo. Lary Page có lẽ sợ ngày đó sẽ đến với Google, cái ngày mà ông còn là CEO của công ty. Alphabet có thể sẽ gánh vác bớt những trọng trách mà “cái tên” Google đang phải chịu quá nhiều. Chỉ như vậy thôi, cỗ máy tìm kiếm có thể yên tâm thực hiện sứ mạng của mình… Google, chắc chắn sẽ không thể thay thế người thân rồi.
Google đã mang đến cho chúng ta quá nhiều món quà trong cuộc sống…