Thị trường mua bán thông tin cá nhân: Có tiền là có dữ liệu!

Smartphone (điện thoại thông minh) gần như đã trở thành vật dụng không thể thiếu đối với nhiều người hiện nay. Thiết bị này cho phép bạn kết nối và thực hiện nhiều hoạt động thiết yếu hàng ngày như cập nhật tin tức, nhắn tin, trao đổi công việc… Tuy nhiên, vấn đề nào cũng luôn có hai mặt, sự phát triển của công nghệ có thể khiến chúng ta dễ bị rò rỉ thông tin hơn bao giờ hết.

Thống kê cho thấy, nguyên nhân lộ lọt thông tin cá nhân chủ yếu xuất phát từ chính sự bất cẩn của người dùng. Chỉ tính riêng trong năm 2018 đã có hàng tỉ người trên khắp thế giới bị rò rỉ thông tin cá nhân khi sử dụng Facebook, Yahoo! Mail…

Anh Nguyễn Phạm Hoàng Huy, Giảng viên Trường Cao đẳng FPT Polytechnic (ngành Thương mại điện tử), cho biết: “Việc thu thập, trao đổi hoặc mua bán thông tin cá nhân trên Internet diễn ra nhan nhản hàng ngày. Kẻ gian có thể sử dụng các công cụ (tool) miễn phí để quét ID Facebook hoặc phần bình luận để thu thập họ tên, số điện thoại… của bạn và bán lại cho các bên thứ ba”. 

du-lieu-khach-hang

Ghi nhận tại một số trang chuyên bán dữ liệu người dùng, chỉ cần bỏ ra khoảng 500.000 đồng, bạn sẽ có ngay danh sách 10.000 số điện thoại khách tiềm năng với đủ mọi lĩnh vực như bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, mua bán xe hơi… 

Anh Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena, cho biết: “Sau khi thu thập thông tin của người tiêu dùng, họ có thể bán lại cho các công ty có nhu cầu với mức giá 2-3 USD/người. Ngoài ra, họ còn sử dụng những tệp dữ liệu này để thực hiện các chiến dịch quảng cáo nhắm mục tiêu”.

Bán thông tin đăng nhập cũng là một hình thức khá phổ biến trên dark web (một tập hợp các mạng ngầm), nơi tin tặc sẽ trả giá cao để có được dữ liệu và những tài khoản mạng xã hội bị hack.

Theo báo cáo của Privacy Affairs, tài khoản Facebook, Gmail là một trong những loại thông tin đắt nhất trên thị trường, bởi chúng cho phép tin tặc có thể tận dụng để mở rộng quyền truy cập hoặc lừa thêm người khác. 

quet-id-facebook

Sau khi phân tích hàng trăm danh sách trên dark web, các nhà nghiên cứu tại Privacy Affairs nói rằng một tài khoản Facebook bị hack trung bình có giá 74,50 USD (1,72 triệu đồng), trong khi tài khoản Instagram là 55,45 USD (1,28 triệu đồng) và Twitter là 49 USD (1,13 triệu đồng). 

Đặc biệt tài khoản Gmail có giá lên đến 155,73 USD (khoảng 3,6 triệu đồng), một phần là bởi tài khoản này cho phép tin tặc biết được nhiều thông tin xung quanh cuộc sống của những mục tiêu khác. 

Việc mua bán tài khoản Facebook tại Việt Nam diễn ra rất nhộn nhịp. Một tài khoản Facebook mới lập (khoảng 1-3 tuần) sẽ có giá khoảng 3.000-5.000 đồng, ngược lại, những tài khoản có nhiều bạn bè, nhiều người theo dõi… sẽ có giá cao hơn (50.000-300.000 đồng), đặc biệt tài khoản tick xanh sẽ được bán với giá trên 25 triệu đồng. 

Để tránh bị mất tài khoản Facebook, Gmail… người dùng nên truy cập vào phần cài đặt ứng dụng và kích hoạt tính năng xác thực hai lớp. Ngoài ra, bạn cũng không nên cung cấp thông tin cá nhân (email, số điện thoại, địa chỉ nhà…) cho bất kỳ ai (đặc biệt là trên Facebook), kể cả khi họ tự xưng là người của cơ quan điều tra, nhân viên ngân hàng. 

“Để hạn chế tình trạng bị rò rỉ thông tin, người dùng nên chia sẻ càng ít thông tin càng tốt. Đồng thời tạo thêm một địa chỉ email hoặc số điện thoại phụ, dùng để đăng ký các dịch vụ yêu cầu nhập thông tin cá nhân. Trong trường hợp bị tấn công hoặc rò rỉ dữ liệu, bạn cũng không cần phải quá quan tâm vì đó chỉ là email, số điện thoại phụ" - anh Thắng chia sẻ thêm.

Rò rỉ thông tin cá nhân là một trong những nguyên nhân khiến bạn phải đau đầu mỗi ngày vì tin nhắn rác, hoặc những cuộc gọi mời chào mua bán bảo hiểm, nhà đất, cho vay tiêu dùng…  

Đọc thêm