Theo ước tính, hiện thị trường truyền hình trả tiền VN đang có khoảng 6 triệu thuê bao cùng 20 triệu thuê bao dưới dạng "tiềm năng". Với quy mô này, cùng với tỷ lệ lợi nhuận "cao ngất" mà truyền hình trả tiền có thể đem lại, đây thực sự là một thị trường tốt trong mắt các doanh nghiệp.
Số liệu ước tính của Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho thấy, tổng doanh thu của thị trường này vào năm 2011 đã đạt gần 2 tỷ USD và tăng lên 2,5 tỷ USD năm 2012. Riêng doanh thu từ quảng cáo đã đạt 850 triệu USD trong năm 2011 và hơn 1 tỷ USD năm 2012.
Tuy nhiên, cũng vì siêu lợi nhuận như vậy nên thời gian qua, thị trường truyền hình trả tiền đã nảy sinh nhiều vấn đề, thậm chí là gây bức xúc cho dư luận, từ việc 70% thị trường nằm trong tay VTV tới những biểu hiện bị cho là "lấn sân thiếu lành mạnh" gần đây của SCTV (Truyền hình cáp Saigon Tourist). Cụ thể, nhiều doanh nghiệp đang "tố" SCTV "lách luật" bằng cách liên kết với Công ty CP Dịch vụ Truyền thanh - Truyền hình Hà Nội (BTS) để cung cấp dịch vụ truyền hình cáp analog tại nhiều quận, huyện của Hà Nội khi không được phép.
Quản lý như viễn thông?
Đại diện Tổng công ty VTC tỏ ra lo ngại về diễn biến thị trường hiện nay, đặc biệt là khi mùa World Cup 2014 đã cận kề, thời điểm mà chắc chắn, nhu cầu lắp mới hoặc nâng cấp gói cước truyền hình trả tiền của người dùng sẽ tăng vọt để có thể thưởng thức giải đấu.
"Quản lý viễn thông hiện đang được Bộ TT&TT thực hiện rất bài bản nhưng truyền hình trả tiền có vẻ chưa được như vậy. Việc thị trường cạnh tranh quyết liệt như hiện nay có thể sẽ dẫn tới những hành vi cạnh tranh không lành mạnh để giành thị phần, tăng lợi nhuận", gây ảnh hưởng tới các doanh nghiệp làm ăn chính đáng. Đề xuất của VTC là nên chăng, Bộ TT&TT nên siết kiểm tra các doanh nghiệp và áp dụng phương thức quản lý thị trường như quản lý viễn thông.
Tuy nhiên, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình cho rằng quy mô của hai thị trường có sự khác biệt lớn. Nếu như thị trường viễn thông hiện chỉ còn khoảng 4-5 doanh nghiệp thì thị trường truyền hình trả tiền đang quy tụ tới 40 doanh nghiệp với đủ mọi quy mô, từ lớn đến nhỏ. Trong đó, thị phần chủ yếu vẫn nằm trong tay các nhà đài lớn mà cụ thể là SCTV chiếm 40%, VTV Cab 30%, HTVC khoảng 15%.
Do đó, ông Bảo nhấn mạnh rằng trước hết, cần phải sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới các doanh nghiệp truyền hình trả tiền rồi mới có thể tiến tới việc quản lý hiệu quả. Tuy nhiên, chắc chắn cơ quan quản lý sẽ tính đến bài toán cạnh tranh trong các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trong thời gian tới.
Thêm "tân binh"
Dù vậy, theo các chuyên gia, việc Bộ TT&TT ủng hộ quan điểm mở cửa thị trường truyền hình trả tiền giống như từng mở cửa thị trường viễn thông trước đây chắc chắn sẽ tạo ra động lực và cú hích mạnh mẽ cho thị trường. Guồng quay cạnh tranh sẽ buộc doanh nghiệp phải tìm kiếm những giải pháp lành mạnh, hợp pháp để trụ lại trước làn sóng "tân binh", nhất là khi những "tân binh" đó lại sở hữu tài lực thuộc hàng khủng như Viettel, VNPT hay FPT.
Cụ thể, Viettel đã chính thức triển khai cung cấp gói HD thử nghiệm ở một số khu vực từ tháng 1/3 vừa qua, mới mức cước phí chỉ khoảng 85.000 đồng/tháng, tức là chỉ bằng 2/3 giá cước của VTVCab và bằng một nửa so với truyền hình HD của VTVCab. Thậm chí, một số nguồn tin còn tiết lộ Viettel có thể sẽ xây dựng những gói thuê bao với giá cực kỳ bình dân, chỉ khoảng 30.000 đồng/tháng để thu hút người dùng có thu nhập thấp, nhất là ở khu vực nông thôn.
Sau Viettel, FPT Telecom cũng chuẩn bị nhảy vào thị trường truyền hình trả tiền với chính sách kinh doanh tương tự, tức là dựa vào mức cước dịch vụ hấp dẫn để hút khách. Theo kế hoạch, FPT sẽ triển khai dịch vụ truyền hình trả tiền bằng công nghệ số tại 8 tỉnh, TP trong quý II là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Cần Thơ, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Đăk Lăk.
Làn sóng tân binh này ngay lập tức tạo hiệu ứng khi các doanh nghiệp kỳ cựu đồng loạt phải công bố chương trình khuyến mãi, ưu đãi rầm rộ. Chẳng hạn như K+ đã cơ cấu lại các gói kênh với mức phí 85.000 đồng/tháng - tương đương Viettel cho gói Access+ và 220.000 đồng/tháng cho gói PremiumHD+. Giá đầu thu cũng được giảm từ 1,5 triệu đồng xuống còn 990.000 đồng/bộ.
Tương tự, từ ngày 10/05 - 25/06/2014, VTVCab cũng khuyến mãi miễn phí đầu thu HD trên địa bàn Hà Nội khi khách hàng đăng ký 6 tháng thuê bao gói kênh HD trị giá 300.000 đồng.
Trong khi đó, SCTV khẳng định để thực hiện lộ trình số hóa truyền hình của Chính phủ trong giai đoạn 1 tại 5 thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Hải Phòng và Đà Nẵng, doanh nghiệp này sẽ áp dụng chính sách mỗi thuê bao được trang bị hai đầu thu HD (tương đương 2,8 triệu đồng) nếu cam kết sử dụng dịch vụ trong tối thiểu 2 năm. Mức phí thuê bao gói HD mà SCTV đang áp dụng tại Hà Nội cũng chỉ có 80.000 đồng/tháng, tại Đà Nẵng là 99.000 đồng/tháng.
Rõ ràng, việc mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp mạnh về hạ tầng như Viettel, VNPT tham gia đã gây sức ép rất lớn cho các doanh nghiệp truyền hình trả tiền truyền thống. Nếu trước đây, nhiều người dùng phàn nàn về việc VTVCab lạm dụng vị thế độc quyền để tăng cước từ 65.000 đồng/tháng lên 110.000 đồng/tháng chỉ sau 3 năm thì hiện tại, doanh nghiệp này lại đang phải tìm mọi cách để khuyến mại cho người dùng nếu không muốn bị tranh hết khách. Và đương nhiên, áp lực cạnh tranh cũng buộc các doanh nghiệp phải nhìn nhau mà tăng giá, đồng thời đảm bảo chất lượng kênh nội dung chứ không thể cắt kênh tùy tiện như trước.
Bình luận về việc này, Tiến sĩ Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông (nay là Bộ TT&TT) khẳng định, việc mở cửa thị trường truyền hình trả tiền là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, tất yếu và thể hiện rõ việc "đặt quyền lợi người dân lên hàng đầu". Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cũng từng nhấn mạnh rằng, việc Bộ cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông tham gia thị trường sẽ bảo đảm "người dân được thụ hưởng dịch vụ theo hướng chất lượng vừa tốt hơn mà giá cước lại rẻ đi".
Theo Trọng Cầm (VNN)