Apple đầu tư 100 triệu USD để Indonesia gỡ bỏ lệnh cấm bán iPhone 16?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(PLO)- Indonesia đã không “nhúc nhích” trước lời đề nghị đầu tư 10 triệu USD của Apple để gỡ bỏ lệnh cấm bán iPhone 16, vì vậy công ty được cho là đã tăng đề nghị lên gấp 10 lần. 

Apple đang đặt cược lớn vào Indonesia với đề xuất đầu tư gần 100 triệu USD trong hai năm tới, nhằm thuyết phục chính phủ nước này dỡ bỏ lệnh cấm bán iPhone 16. Đây là nỗ lực mới nhất của gã khổng lồ công nghệ Mỹ để khắc phục những yêu cầu khắt khe đến từ quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á.

Theo báo cáo của Bloomberg, khoản đầu tư này cao gấp gần 10 lần kế hoạch trước đó của Apple, vốn chỉ trị giá khoảng 10 triệu USD.

Dự án ban đầu dự kiến xây dựng một nhà máy sản xuất phụ kiện tại Bandung, phía đông nam Jakarta. Tuy nhiên, trong đề xuất mới, Bộ Công nghiệp Indonesia yêu cầu Apple tập trung nhiều hơn vào nghiên cứu và phát triển (R&D) smartphone tại quốc gia này.

Việc tăng vốn đầu tư của Apple được cho là một chiến lược đối phó sau khi Bộ Công nghiệp Indonesia ra lệnh cấm bán iPhone 16 vào tháng trước. Lý do chính là Apple chưa đáp ứng được yêu cầu nội địa hóa 40% trong việc sản xuất điện thoại thông minh và máy tính bảng.

Indonesia cấm bán iPhone 16 vì Apple không đạt được cam kết đầu tư tại quốc gia này. Ảnh: TIỂU MINH
Indonesia cấm bán iPhone 16 vì Apple không đạt được cam kết đầu tư tại quốc gia này. Ảnh: TIỂU MINH

Căng thẳng trong đàm phán

Dù đã gửi đề xuất đầu tư nhưng Apple vẫn đối mặt với không ít trở ngại. Bộ Công nghiệp đã triệu tập các giám đốc điều hành cấp cao của Apple đến gặp Bộ trưởng Agus Gumiwang Kartasasmita. Tuy nhiên, sau khi bay đến Jakarta, các giám đốc điều hành cấp cao của Apple chỉ được tiếp đón bởi một người đại diện của Bộ.

Cả Apple lẫn Bộ Công nghiệp đều từ chối bình luận về sự việc.

Không chỉ Apple, các công ty khác như Google cũng bị áp dụng những biện pháp tương tự. Indonesia đã cấm bán dòng điện thoại Google Pixel do chưa đạt mức đầu tư yêu cầu.

Áp lực từ chiến lược "nội địa hóa" của Indonesia

Indonesia đang áp dụng các biện pháp mạnh để thúc đẩy sản xuất trong nước. Chính quyền Tổng thống mới Prabowo Subianto tiếp nối chính sách của người tiền nhiệm, ông Joko Widodo, nhằm gây áp lực buộc các công ty quốc tế đầu tư sâu rộng hơn.

Ví dụ, TikTok của ByteDance đã phải chi 1,5 tỉ USD để hợp tác với Tokopedia sau khi bị chặn tại Indonesia vào năm ngoái.

Việc đầu tư mạnh vào Indonesia mang lại cho Apple cơ hội tiếp cận hơn 278 triệu người tiêu dùng, trong đó hơn một nửa dưới 44 tuổi và có xu hướng am hiểu công nghệ. Tuy nhiên, chiến thuật cứng rắn của chính phủ cũng khiến nhiều công ty khác lo ngại về rủi ro khi mở rộng hoạt động tại đây.

Indonesia đặt mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế, nhưng cách tiếp cận này có thể gây tác động ngược. Dù vậy, với Apple, khoản đầu tư 100 triệu USD có thể giúp hãng giữ chỗ đứng tại một trong những thị trường quan trọng nhất khu vực Đông Nam Á.

Đọc thêm