Mới đây, sau khi mua sản phẩm bản đồ cắm cờ trên trang TMĐT Shopee, nhiều phụ huynh đã phản ánh về việc bản đồ có chứa “đường lưỡi bò” sai sự thật. Sau đó, các mặt hàng đồ chơi có hình “đường lưỡi bò” Trung Quốc của người bán trên Shopee đã bị quản lý thị trường thu giữ.
Hình ảnh "Bản đồ cắm cờ thế giới" được rao bán trên trang Shopee trước khi được gỡ bỏ. Ảnh: Zing
Bên cạnh đó, việc đổi trả khi mua nhầm hàng kém chất lượng trên các trang TMĐT cũng khá mất thời gian, do một số người tiêu dùng không biết phản ánh đến nhà sản xuất hay trang TMĐT mà họ đang sử dụng. Chính vì thế, nhiều người đành chấp nhận bỏ luôn sản phẩm.
Trách nhiệm của trang TMĐT hay của người bán hàng?
Theo quy định tại Thông tư số 47/2014 của Bộ Công Thương thì trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ TMĐT phải loại bỏ khỏi website những thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật khác khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh có căn cứ xác thực về những thông tin này.
Tuy nhiên, với những thông tin mới đây trên Shopee thì các tổ chức cung cấp dịch vụ TMĐT vẫn chưa loại bỏ khỏi website những thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật khác.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư Khưu Thanh Tâm (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho hay: Quy định tại Điều 4 Thông tư 47/2014/TT-BCT, thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (hay có thể gọi chung là sàn giao dịch TMĐT) phải có trách nhiệm loại bỏ khỏi website TMĐT những thông tin về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng,…
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 76 Nghị định 52/2013/NĐ-CP thì thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website TMĐT bán hàng có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý khiếu nại của khách hàng liên quan đến hợp đồng được giao kết trên website thương mại điện tử của mình.
Đồng thời theo quy định tại khoản 5 Điều 76 Nghị định 52/2013/NĐ-CP thì thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử phải công bố rõ trên website quy trình tiếp nhận, trách nhiệm xử lý khiếu nại của khách hàng và cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng được giao kết trên website thương mại điện tử.
Do đó, khi nhận được thông tin phản ánh của khách hàng về hàng hóa kém chất lượng hoặc hàng giả thì sàn giao dịch TMĐT phải tiến hành trách nhiệm tiếp nhận và xử lý khiếu nại.
Đối với trách nhiệm của nhà sản xuất, người trực tiếp bán hàng hóa trên sàn giao dịch TMĐT (gọi chung là người bán hàng) thì theo quy định tại Khoản 6 Điều 37 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, người bán hàng phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định của pháp luật có liên quan khác khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Khoản 1 Điều 16 Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2010 quy định người bán hàng phải chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa do mình cung cấp và phải bồi thường thiệt hại cho người mua theo quy định tại Điều 61 Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa 2010 (nếu có).
Luật sư Tâm khẳng định: "Như vậy sàn giao dịch TMĐT chỉ là bên trung gian giữa người mua và người bán nên nếu người bán cung cấp hàng giả, hàng kém chất lượng thì phải bồi thường thiệt hại cho người mua và chịu các chế tài có liên quan theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, các sàn giao dịch TMĐT phải có cơ chế tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tranh chấp về chất lượng hàng hóa giao dịch trên sàn giao dịch TMĐT theo quy định pháp luật.
Có thể truy cứu hình sự đối với tình trạng bán hàng giả
Cũng theo luật sư Tâm, nếu sàn giao dịch TMĐT không công bố rõ trên website quy trình tiếp nhận, trách nhiệm xử lý khiếu nại của khách hàng và cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng được giao kết trên website TMĐT, sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Tại khoản 3 Điều 83 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định mức phạt cho hành vi vi phạm này là từ 30.000.000 đến 40.000.000 đồng.
Đối với người bán hàng cung cấp hàng hóa là hàng giả thì tùy vào từng hành vi giả mạo, mức độ cụ thể theo các quy định tại Mục 2 Nghị định 185/2013/NĐ-CP mà người bán hàng phải chịu trách nhiệm cho hành vi vi phạm của mình. Về trách nhiệm hình sự, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm liên quan đến hàng giả, người bán hàng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015.
Mua sắm trực tuyến tăng mạnh Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), hiện nay cách thức mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng cũng khá đa dạng như mua sắm qua các sàn giao dịch TMĐT Lazada.vn, Shopee.vn, Sendo.vn, Hotdeal.vn, Zalora.vn, Tiki.vn... hoặc qua mạng xã hội Facebook, Instagram, Zalo,.. Theo số liệu khảo sát của VECOM, với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, thông tin từ hàng nghìn website thương mại điện tử cho thấy tỉ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 tăng 35%. Khảo sát gián tiếp qua một số doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu cho thấy tốc độ tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ chuyển phát từ 62% đến 200%. Đối với lĩnh vực thanh toán, theo thông tin từ Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), năm 2017 tăng trưởng số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa tăng khoảng 50% so với năm 2016 trong khi giá trị giao dịch tăng trưởng tới 75%. |