Bộ Nội vụ nêu các phương án tổ chức HĐND cấp huyện, cấp xã

(PLO)- Bộ Nội vụ đã công bố tài liệu dự án sửa đổi Luật Chính quyền địa phương, trong đó nêu các phương án tổ chức HĐND ở cấp huyện và cấp xã, trong đó có phân biệt chính quyền đô thị và nông thôn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Kỳ họp Quốc hội bất thường vào giữa tháng sau sẽ xem xét, cho ý kiến sửa đổi toàn diện Luật Chính quyền địa phương, trong bối cảnh cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang diễn ra mạnh mẽ, mà các nội dung lớn, vấn đề lớn phải quyết định xong trong vài tháng nữa, trước khi đại hội đảng bộ các cấp sẽ tiến hành.

Xác định đây là nhiệm vụ cấp bách, Chính phủ tuần trước đã họp cho ý kiến, và Bộ Nội vụ đã công bố tài liệu dự án sửa đổi Luật Chính quyền địa phương.

chinh quyen dia phuong.jpg

Ba mô hình

Sau cuộc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường bị dừng lại giữa chừng năm 2015, đến nay trên cả nước đang cùng lúc có ba mô hình chính quyền địa phương.

Mô hình chung, đã tồn tại hàng chục năm qua, với cơ sở pháp lý là Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Theo đó, HĐND được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính, cùng với đó là UBND do HĐND bầu, phê chuẩn.

Mô hình riêng của Hà Nội, theo Luật Thủ đô 2024. Chính quyền đầy đủ gồm HĐND và UBND được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính. Chỉ có phường là không tổ chức HĐND.

Mô hình riêng của TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng theo nghị quyết riêng của Quốc hội về chính quyền đô thị cho các thành phố này, được ban hành năm 2020 và 2024. Theo đó, tại quận, huyện, phường thì không tổ chức HĐND – tương tự như thí điểm trước đó. Còn cấp thành phố, thành phố thuộc thành phố, thị xã, thị trấn và xã có chính quyền đầy đủ.

Tại các mô hình nói trên, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND nơi không tổ chức HĐND đều do Chủ tịch UBND cấp trên bổ nhiệm. Và UBND lúc đó được xác định cơ quan hành chính nhà nước, thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn tương ứng cấp mình, và các quyền hạn theo phân cấp của UBND, Chủ tịch UBND cấp trên.

Chọn mô hình nào?

Tại thời điểm này, tài liệu dự án sửa đổi Luật Chính quyền địa phương một mặt khẳng định cần tổ chức chính quyền đầy đủ gồm HĐND và UBND ở cấp tỉnh, nhưng cũng xác định cần phải bỏ bớt HĐND ở đơn vị hành chính cấp dưới tỉnh.

Nhưng bỏ HĐND ở đơn vị hành chính nào thì hiện có hai nhóm ý kiến:

Nhóm ý kiến thứ nhất là không tổ chức HĐND tại quận, phường, thị trấn, xã. Loại ý kiến thứ hai, đề nghị không tổ chức HĐND tại huyện, quận, phường.

Cả hai phương án trên đều có kế thừa mô hình chính quyền ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng.

Bộ Nội vụ ủng hộ ý kiến thứ nhất. Cơ quan chủ trì sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương đánh giá mô hình này phân biệt được chính quyền địa phương ở địa bàn đô thị, nông thôn.

Cụ thể, ở nơi thuần đô thị thì chỉ tổ chức một cấp chính quyền (thành phố trực thuộc Trung ương), còn dưới là hai cấp hành chính (quận, phường).

Ở đơn vị hành chính thuần nông thôn hoặc xen lẫn đô thị và nông thôn thì tổ chức hai cấp chính quyền đầy đủ (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và huyện, hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và thành phố, thị xã thuộc tỉnh), còn lại chỉ tổ chức cơ quan hành chính, tổ chức thực thi chứ không ban hành chính sách (quận, xã, phường, thị trấn).

Theo phương án này, nếu chỉ tính riêng việc không tổ chức HĐND ở cấp xã đã tinh giản được hơn 10.000 đại biểu HĐND chuyên trách.

Ngoài các vấn đề HĐND nêu trên, sửa Luật Tổ chức chính quyền địa phương lần này còn bổ sung một số quy định nhấn mạnh mỗi nhiệm vụ chỉ giao cho một cấp chính quyền địa phương thực hiện. Chính quyền địa phương cấp tỉnh ban hành chiến lược, chính sách, quy hoạch trên địa bàn, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính quốc gia từ trung ương đến địa phương. Cấp huyện, cấp xã là cấp tổ chức thực hiện, không ban hành chính sách...

Những sửa đổi này vừa giúp đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, vừa rõ trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm