Cần làm gì khi bị lộ thông tin CCCD?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(PLO)- Căn cước công dân (CCCD) là một trong những loại giấy tờ quan trọng, được dùng để xác minh thông tin cư trú và thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính.

CMND, CCCD dễ bị lộ trong thời đại số

Trước đó vào năm 2021, một thành viên trên diễn đàn hacker Raidforums đã đăng tải bài viết rao bán 17 GB dữ liệu liên quan đến CMND, CCCD với mức giá hơn 200 triệu đồng, và chỉ chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin.

Thông tin bị rò rỉ bao gồm các họ và tên, số CMND, ảnh chụp mặt trước và sau của CMND, số điện thoại, email… và hàng loạt thông tin cá nhân quan trọng khác.

Nhiều thông tin liên quan đến CMND, CCCD bị rò rỉ. Ảnh: TIỂU MINH
Nhiều thông tin liên quan đến CMND, CCCD bị rò rỉ. Ảnh: TIỂU MINH

Theo một số nguồn tin ở thời điểm đó, dữ liệu bị rò rỉ nhiều khả năng nằm trong quá trình KYC (Know Your Customer) của Pi Network, mặc dù vậy, đến nay điều này vẫn chưa được xác thực.

Trong thị trường tiền mã hóa, KYC là một thủ tục dùng để xác minh danh tính hoặc xác thực tên thật. Quy trình xác thực của mỗi sàn thường sẽ khác nhau, tuy nhiên, thông thường thì người dùng phải cung cấp ảnh chân dung, passport (hộ chiếu), chứng minh nhân dân, địa chỉ cư trú…

Ngoài ra, còn rất nhiều phương thức khác có thể khiến bạn bị lộ CCCD, CMND, đơn cử như đi photo giấy tờ, lưu trú khách sạn (một số nơi vẫn giữ CMND, CCCD khi làm thủ tục nhận phòng, trong khi điều này là không cần thiết)…

Cần làm gì khi bị lộ CCCD, CMND?

Việc lộ thông tin CCCD, CMND trong thời đại số là điều không thể tránh khỏi, điều này có thể khiến bạn gặp nhiều rủi ro như giả mạo giấy tờ, vay nợ, chiếm đoạt tài sản… chưa kể một số công ty còn sử dụng CCCD của bạn để đăng ký mã số thuế. Khi gặp sự cố, bạn sẽ mất rất nhiều thời gian để liên hệ với chi cục thuế và nhờ chỉnh sửa.

Cần làm gì khi bị lộ thông tin CCCD. Ảnh: TIỂU MINH
Cần làm gì khi bị lộ thông tin CCCD. Ảnh: TIỂU MINH

Nếu vô tình bị lộ CCCD, bạn cần thực hiện một số bước sau đây để hạn chế thiệt hại ở mức tối thiểu:

- Bước 1: Đầu tiên, bạn hãy kiểm tra kỹ xem thông tin CCCD bị lộ ở đâu bằng cách tìm kiếm trên Google, mạng xã hội hoặc các trang web mua bán. Khi đã phát hiện được nguồn rò rỉ, người dùng nên tìm cách thu hồi hoặc yêu cầu Google không hiển thị thông tin CCCD trong kết quả tìm kiếm.

- Bước 2: Liên hệ với tổng đài của từng ngân hàng, nhà mạng để kiểm tra thông tin CCCD có bị lợi dụng để mở tài khoản hay đăng ký SIM hay không. Nếu có, bạn hãy báo với nhân viên chăm sóc khách hàng hoặc cơ quan chức năng để được hỗ trợ khóa tài khoản.

- Bước 3: Để kiểm tra thông tin cá nhân có bị lợi dụng để vay nợ hay không, bạn hãy truy cập vào trung tâm Thông tin Tín dụng CIC tại địa chỉ https://cic.gov.vn/, hoặc cài ứng dụng CIC Credit Connect trên điện thoại. Tham khảo thêm cách thực hiện trong bài viết này.

- Bước 4: Để đảm bảo an toàn, tránh mất mát dữ liệu và tài sản cá nhân, người dùng nên đổi mật khẩu các tài khoản quan trọng như ngân hàng, mạng xã hội, email…

Nhìn chung, việc xử lý khi bị lộ thông tin CCCD, CMND rất quan trọng, điều này sẽ phần nào giảm thiểu thiệt hại (nếu có) ở mức tối thiểu.

Đổi mật khẩu các tài khoản quan trọng khi bị lộ thông tin CCCD. Ảnh: TIỂU MINH
Đổi mật khẩu các tài khoản quan trọng khi bị lộ thông tin CCCD. Ảnh: TIỂU MINH
Cách cập nhật CCCD để tích hợp GPLX vào VNeID

Cách cập nhật CCCD để tích hợp GPLX vào VNeID

(PLO)- Theo Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), việc người dân không thể tích hợp GPLX vào VNeID là do thiếu thông tin cá nhân, hoặc giấy tờ đang gắn với CMND (9 số), chưa được đổi sang CCCD (12 số).

Làm thế nào để hạn chế bị lộ CCCD?

- Không chia sẻ hình ảnh CCCD, CMND trên các nền tảng mạng xã hội, tin nhắn… cho bất kỳ ai.

- Cẩn thận khi cung cấp thông tin CCCD cho người khác.

Để hạn chế tình trạng bị rò rỉ thông tin CCCD, người dùng nên chia sẻ càng ít thông tin càng tốt. Đồng thời tạo thêm một địa chỉ email hoặc số điện thoại phụ, dùng để đăng ký các dịch vụ yêu cầu nhập thông tin cá nhân. Trong trường hợp bị tấn công hoặc rò rỉ dữ liệu, bạn cũng không cần phải quá quan tâm vì đó chỉ là email, số điện thoại phụ” - anh Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena chia sẻ.

Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết trên Kỷ Nguyên Số cho nhiều người cùng biết hoặc để lại bình luận khi gặp rắc rối trong quá trình sử dụng.

Đọc thêm