Đại sứ cứu 60.000 USD bị tin tặc lừa

“Cuối tuần trước, một công ty lớn trong nước đã cầu cứu đến Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia về việc bị mắc bẫy của tin tặc nước ngoài do buông lỏng kiểm soát an ninh mạng”. Ngày 17-3, Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn cho biết như trên.

Sập bẫy tin tặc

Theo ông Tuấn, công ty này (đề nghị được giấu tên) có quan hệ làm ăn tin cậy với một đối tác làm ăn ở tỉnh Aceh, vùng cực đông của Indonesia. Đôi bên vẫn sử dụng thư điện tử để giao dịch, ký kết hợp đồng với nhau.

Vừa qua, trong giao dịch điện tử, công ty Việt Nam nhận được yêu cầu của đối tác chuyển khoản 60.000 USD tới một tài khoản được chỉ định mở tại Ngân hàng DBS (trụ sở tại Jakarta, thủ đô của Indonesia). Khoản tiền được chuyển ngay nhưng sau đó các nội dung thỏa thuận không được thực hiện. Công ty Việt Nam hỏi đối tác thì họ ngạc nhiên, bảo không hề có yêu cầu nào như thế…

Lập tức hai bên rà soát hệ thống giao dịch điện tử thì phát hiện toàn bộ email trao đổi mà phía Việt Nam nhận được không phải là thật. Kỳ thực, hacker đã xâm nhập vào tài khoản email của công ty đối tác ở Indonesia rồi soạn email để dẫn dắt công ty Việt Nam chuyển tiền vào một tài khoản của ai đó ở Ngân hàng DBS.

Hoảng hốt, công ty Việt Nam cầu cứu Đại sứ quán tại Indonesia nhờ hỗ trợ để phía ngân hàng phong tỏa khoản tiền trên.

Ảnh minh họa: INTERNET

Chạy đua với thời gian

Theo Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, thông thường những việc thế này sẽ được giải quyết theo trình tự thông qua hợp tác Interpol giữa Bộ Công an Việt Nam với cảnh sát của Indonesia. Sau khi xác minh, phía Indonesia mới có lệnh tới ngân hàng liên quan yêu cầu phong tỏa tài khoản nghi vấn. Nhưng trình tự ấy sẽ mất nhiều thời gian, trong khi khoản tiền đã chuyển kia sẽ bị kẻ xấu rút ra bất cứ lúc nào.

“Chúng tôi tư vấn cho công ty của Việt Nam bay ngay sang Jakarta rồi bay ngay tới Aceh, nhờ đối tác ở đây phối hợp, chuẩn bị tài liệu. Nhận tin báo vào thứ Bảy (12-3) thì lập tức nhân viên đại sứ quán liên hệ, móc nối với nhà chức trách Aceh và giới thiệu để thứ Hai (ngày 14-3), công ty Việt Nam sang là làm việc được ngay” - ông Tuấn kể.

May mắn cho công ty Việt Nam là đối tác ở Aceh phối hợp rất tích cực. Đôi bên chuẩn bị đầy đủ chứng cứ vụ lừa đảo và thuyết phục được cảnh sát Aceh vào cuộc. Vụ việc được xác minh, lập hồ sơ, chuyển ngay lên cơ quan chuyên trách của cảnh sát quốc gia ở Jakarta. Qua hôm sau (thứ Ba, ngày 15-3), đại diện công ty Việt Nam trở lại thủ đô Indonesia và được cảnh sát quốc gia nước này xác nhận sự việc, đủ điều kiện pháp lý để Ngân hàng DBS phong tỏa tài khoản nghi vấn.

“Đến lúc này khoản tiền bị lừa đảo chuyển khoản vẫn còn và có cơ sở để tin là sẽ không bị đánh tháo. Hiện doanh nghiệp Việt Nam và đối tác ở Aceh đang tiếp tục tiến hành các thủ tục để nhận lại số tiền này” - Đại sứ Tuấn thông tin.

Hỗ trợ tốt nhất cho ngư dân, công dân Việt Nam

Trên Facebook của mình, Đại sứ Hoàng Anh Tuấn đánh giá đây là một ví dụ điển hình về những rủi ro mà việc mất an ninh mạng đem lại. Trong vụ này, các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã hành động quyết đoán, tỉnh táo như là việc của chính mình.

“Cũng với tinh thần ấy, chúng tôi đang vận động tích cực để hỗ trợ tốt nhất cho những trường hợp ngư dân hay công dân Việt Nam bị cơ quan chức năng nước bạn bắt giữ trong các vụ việc ở đất nước này” - Đại sứ Tuấn chia sẻ thêm với Pháp Luật TP.HCM.

Đọc thêm