Chắc hẳn rằng ai trong chúng ta cũng đã có vài lần để lại comment (bình luận) trên những bài đăng, hình ảnh, video, liên kết trên Facebook. Tất nhiên, sẽ luôn có những ý kiến đồng tình hoặc không đồng tình và họ sẽ phản biện lại.
Sau đó, người khác sẽ nhảy vào để bổ sung quan điểm riêng của họ, mọi thứ sẽ bắt đầu trở nên căng thẳng, nhiều từ ngữ khó chịu sẽ được sử dụng. Chẳng bao lâu, bạn và bạn bè của bạn sẽ tham gia vào một cuộc tranh cãi với những người mà bạn chưa bao giờ gặp.
Theo kết quả nghiên cứu của UC Berkeley và ĐH Chicago, tùy vào cách tiếp cận mà chúng ta sẽ có những phản ứng rất khác đối với cùng một vấn đề. Ví dụ như khi nghe người khác nói về một câu chuyện nào đó, bạn sẽ phản ứng kiểu A. Nhưng khi đọc câu chuyện đó bằng văn bản, chúng ta sẽ lại phản ứng theo kiểu B dù nội dung cả hai hoàn toàn giống nhau.
Cụ thể, có 300 người tham gia vào cuộc thử nghiệm, họ đã được đọc, xem video và nghe về những chủ đề nóng như chiến tranh, phá thai, nhạc country và rap. Sau đó, những người này được phỏng vấn về phản ứng của họ đối với những ý kiến mà họ không đồng ý.
Có một sự khác biệt rõ rệt giữa những người đã nghe và những người đã đọc nội dung dưới dạng văn bản. Những người đã nghe thường sẽ ít bác bỏ ý kiến của người nói hoặc chỉ âm thầm đọc bình luận, trong khi đó những người đã đọc thường sẽ có thái độ và hành động ngược lại.
Nghiên cứu này cho thấy cách tốt nhất để những người bất đồng có thể hiểu rõ nhau hơn là ngồi nói chuyện trực tiếp. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ (tin nhắn, email…) và mạng xã hội, những cuộc thảo luận trực tiếp ngày càng ít ỏi.
Do đó, nếu đang dính vào một cuộc tranh luận trên Facebook, Twitter hoặc Instagram… và người kia lại là bạn bè thì chúng ta không nên ngồi gõ bình luận để phản bác. Thay vào đó, hãy cùng nhau làm một tách cà phê để nói chuyện trực tiếp hoặc ít nhất là nhấc điện thoại để gọi cho nhau.