Bài 1

Hàng giả tràn ngập trên các sàn thương mại điện tử

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(PLO)- Chỉ cần dạo sơ một vòng trên các sàn thương mại điện tử, không khó để bắt gặp hàng giả với mức giá rẻ bất ngờ.

Theo thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2023, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã phát hiện 4.712 hành vi vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Xử phạt vi phạm hành chính trên 43,3 tỉ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 45,5 tỉ đồng.

Chia sẻ tại tọa đàm “Bảo vệ thương hiệu trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ”, do Tạp chí Công Thương tổ chức, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho rằng có đến 80-90% hàng giả được mua bán trên mạng.

Đủ chiêu trò lách quy định để bán hàng giả trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT)

Mặc dù đi kèm với nhiều cơ hội phát triển nhưng TMĐT ở Việt Nam cũng gặp không ít thách thức trong việc xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh. Tình trạng buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng… đang diễn ra công khai trên các sàn TMĐT phổ biến, gây ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng và uy tín của các doanh nghiệp.

Phản ánh đến PLO, anh L.A (TP.HCM) cho biết khi thử tìm kiếm từ khóa ‘S23 Ultra’ trên Lazada, ngoài những sản phẩm chính hãng của các hệ thống bán lẻ, LazMall thì xuất hiện hàng loạt sản phẩm có giá chỉ vài trăm ngàn cho đến 1 triệu đồng, trong khi giá thực tế của S23 Ultra chính hãng khoảng 23,9 triệu đồng.

Một gian hàng trên sàn TMĐT đặt tên sản phẩm lập lờ nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Ảnh: TIỂU MINH
Một gian hàng trên sàn TMĐT đặt tên sản phẩm lập lờ nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Ảnh: TIỂU MINH

Theo ghi nhận, bên dưới các bài đăng này thường là những đánh giá “mồi” với nội dung khen sản phẩm hoạt động tốt nhằm dụ những người dùng nhẹ dạ. Một số người sau khi mua đã nhận ra đây chỉ là điện thoại kém chất lượng, không đúng với thực tế.

Tương tự, nhiều mẫu điện thoại cao cấp khác như iPhone 14 Pro Max, OPPO Find N2 Flip cũng được bán tràn lan với mức giá rẻ chỉ khoảng 1,8 triệu đồng (hàng thật khoảng 17 triệu đồng). Nếu là người am hiểu thị trường công nghệ và thường xuyên mua sắm, bạn có thể dễ dàng nhận ra các dấu hiệu lừa đảo thông qua mức giá thấp đáng ngờ.

Tất nhiên, tình trạng hàng hàng kém chất lượng được bán công khai cũng xuất hiện trên các sàn TMĐT khác như Shopee, Sendo.

Anh H.T (một người bán lâu năm trên các sàn TMĐT) cho biết, một số người bán hiện đang lách chính sách của sàn TMĐT để bán sản phẩm kém chất lượng bằng cách ghi tên sản phẩm giống những hãng nổi tiếng, tuy nhiên ở phần Thương hiệu lại ghi là “No Brand”. Ví dụ như S23 Ultra, I,p 14 pro max… Việc này có bị coi là bán hàng giả hay không?

Đặt tên sản phẩm gây nhầm lẫn có thể xem là hành vi đánh lừa. Ảnh: TIỂU MINH
Đặt tên sản phẩm gây nhầm lẫn để bán hàng giả có thể xem là hành vi đánh lừa. Ảnh: TIỂU MINH

Trả lời về vấn đề trên, ThS. Luật sư Nguyễn Minh Trí - Trưởng Văn phòng Luật sư Trí Phúc cho rằng về bản chất, hành vi ghi chú “No brand” không mặc nhiên được coi là bán hàng giả dù nhiều người vẫn đang “núp bóng” chữ “No brand” để bán hàng giả. Vì vậy, vấn đề cần đặt ra ở đây là cần phân biệt giữa hành vi ghi “No brand” hợp pháp và hành vi ghi “No brand” để bán hàng giả.

Thông thường, hành vi ghi “No brand” hợp pháp là không sử dụng bất kỳ nhãn hiệu nào để kích cầu, thường có giá rẻ và chất lượng được đảm bảo ở một mức độ nhất định.

 Lập lờ trong việc đặt tên để bán hàng giả trên sàn thương mại điện tử
Một số gian hàng đặt tên sản phẩm để lách các quy định của sàn TMĐT, bán sản phẩm kém chất lượng cho người tiêu dùng. Ảnh: TIỂU MINH

Ngược lại, hành vi ghi “No brand” không hợp pháp là khi người bán vi phạm nhãn hiệu, tên thương mại, bao bì sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ hoặc có chứa bất kỳ yếu tố nào tương tự gây nhầm lẫn. Ngoài ra, việc sử dụng hình ảnh được bảo vệ, vi phạm kiểu dáng công nghiệp đã đăng ký hoặc kiểu dáng gần giống với kiểu dáng đã đăng ký, liên quan đến một sản phẩm cũng được xem là vi phạm.

“Việc đặt tên sản phẩm lập lờ như S23 Ultra (không ghi rõ Samsung Galaxy) hay I,p 14 pro max của một số gian hàng có thể tạo ra hiểu lầm về thương hiệu và xuất xứ thật của sản phẩm. Nếu mô tả không chính xác và làm cho người mua nhầm lẫn, đây có thể được xem là hành vi đánh lừa”, Ông Nguyễn Phạm Hoàng Huy, Chủ nhiệm bộ môn Thương mại điện tử tại trường FPT Polytechnic TP.HCM chia sẻ.

Trao đổi với PLO về vấn đề hàng giả, đại diện Lazada cho biết: “Chúng tôi luôn áp dụng quy chế và chính sách vận hành phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, đồng thời yêu cầu tất cả nhà bán hàng trên Lazada cũng phải cam kết và tuân thủ quy định pháp luật khi tham cung cấp hàng hóa, dịch vụ trên sàn TMĐT Lazada.”

“Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu vi phạm, chúng tôi sẽ lập tức tiến hành rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm có liên quan trên nền tảng của mình. Đồng thời, Lazada cũng phối hợp chặt chẽ với các thương hiệu đối tác và cơ quan thực thi pháp luật để có biện pháp xử lý kịp thời, như hạn chế hoạt động của gian hàng, hạn chế hiển thị sản phẩm, khóa tài khoản bán hàng hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn,” đại diện Lazada nhấn mạnh.

Đại diện đơn vị này cũng nói thêm rằng khi phát hiện các sản phẩm có dấu hiệu vi phạm trên nền tảng, người dùng có thể liên hệ với Lazada thông qua mục chat hoặc gọi vào số hotline.

Tương tự, phía Shopee cho biết đơn vị cũng thường xuyên tiến hành các biện pháp sàng lọc chủ động khác nhau để xác định và xử lý các sản phẩm/nhà bán hàng vi phạm. “Đối với các trường hợp vi phạm, tùy vào từng mức độ, chúng tôi sẽ tiến hành gỡ bỏ sản phẩm, xử lý từ cảnh cáo cho đến khóa tài khoản vĩnh viễn đối với người bán.”

Ai sẽ bị xử phạt khi bán hàng giả?

ThS. Luật sư Minh Trí cho rằng sàn TMĐT phải có trách nhiệm từ khâu kiểm định sản phẩm, kiểm định thông tin người bán,... (tương tự như siêu thị phải chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn, chất lượng các sản phẩm bày bán trong siêu thị).

Mặt khác, Thông tư về quản lý website thương mại điện tử do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành đã quy định: “Trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử: Loại bỏ khỏi website những thông tin bán hàng giả, hàng nhập lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật khác khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh có căn cứ xác thực về những thông tin này”.

Thị trường TMĐT tại Việt Nam tăng trưởng hai con số

Theo một báo cáo gần đây của Google, Temasek và Bain & Company, Việt Nam tiếp tục là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, hai năm liên tiếp (2022 và 2023).

Tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Việt Nam dự kiến đạt tỉ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) ở mức 20%, từ 30 tỉ USD vào năm 2023 lên gần 45 tỉ USD vào năm 2025. Tăng trưởng GMV trong hai năm tới sẽ được ‘dẫn dắt’ bởi thương mại điện tử và du lịch trực tuyến.

Một số chuyên gia nhận định với tốc độ tăng trưởng hai con số như hiện nay, đến năm 2025 quy mô thị trường TMĐT tại Việt Nam được dự báo sẽ đạt mốc 49-57 tỉ USD.

Trong bài viết tiếp theo, các chuyên gia sẽ gợi ý một số cách nhận biết hàng giả trên các sàn TMĐT, và một số lưu ý để an toàn hơn khi mua sắm trực tuyến.

Đọc thêm