Hiện vẫn còn khá nhiều người dùng Facebook chia sẻ thông tin tràn lan, vô tội vạ và không hề kiểm chứng, khiến nạn nhân gặp nhiều khó khăn, thậm chí doanh nghiệp phải đứng trước thềm phá sản. Không chỉ riêng Facebook, YouTube mà còn rất nhiều dịch vụ khác cũng phải đau đầu vì nạn tin giả. Nhiều biện pháp được đưa ra để hạn chế, tuy nhiên tình trạng trên vẫn không hề thuyên giảm.
Vấn nạn tin giả khiến người dùng, doanh nghiệp đau đầu. Ảnh: Internet
Với ý nghĩ Facebook là mạng xã hội ảo nên nhiều người không ngần ngại thể hiện bản thân, nói xấu hoặc đả kích người khác mà không lo bị ràng buộc trách nhiệm.
Hậu quả của những cú nhấp chuột chia sẻ vô tội vạ
Cách đây không lâu, trên YouTube cũng xuất hiện đoạn video mô tả về việc làm bia Heineken giả, khiến không ít người dùng hoang mang. Tuy nhiên, công ty Heineken Việt Nam cho rằng video này được quay ở Trung Quốc và là sản phẩm chính hãng (nhưng bán vượt ra ngoài thị trường quy định). Nội dung mô tả, phụ đề trên video sai sự thật và gây ra tổn hại rất lớn cho công ty, mặc dù vậy, cả Facebook và YouTube vẫn không gỡ bỏ nội dung video vi phạm.
Một fanpage giả mạo, chia sẻ các tin tức giả mạo. Ảnh: TIỂU MINH
Mới đây, vụ việc xúc xích Vietfoods bị nghi ngờ có chứa chất sodium nitrate-251 vào hồi năm 2016 lại được "đào mộ", nhiều khả năng nhằm mục đích triệt hạ công ty. Kết quả kiểm tra cho thấy Đội quản lý thị trường số 14 thuộc Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã sai sót trong việc kiểm tra, sai phạm về nghiệp vụ và cung cấp thông tin sai lệch cho báo chí khi chưa có kết quả kiểm nghiệm, điều này đã khiến hàng hóa của Vietfoods bị dồn ứ tại kho, người dùng tẩy chay và đứng trước nguy cơ phá sản, mặc dù xúc xích của Vietfoods an toàn.
Vụ việc trên vừa được một fanpage giả mạo Báo Công An đăng tải lại, gây ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp. Hiện bài viết giả mạo này đã có hơn 3.000 lượt chia sẻ và bình luận, đa số người dùng đều không kiểm chứng thông tin và tag (gắn thẻ) bạn bè vào để cảnh giác, góp phần tiếp tay chia sẻ thông tin sai sự thật. Việc chia sẻ các thông tin sai sự thật sẽ mang tác dụng ngược và hậu quả rất khó lường.
Trước đó, hai người phụ nữ ở TP.HCM cũng bị tung tin đồn bắt cóc trẻ em, khiến họ không dám ra khỏi nhà dù thực chất họ chỉ bán nước ở đầu ngõ. Có bao giờ bạn nghĩ rằng những cú nhấp chuột chia sẻ, những lời bình luận mạt sát... trên Facebook (nơi mà bạn nghĩ là ảo) có tác động rất lớn đến những người bị hại, đẩy họ đến bước đường cùng và thậm chí là tự tử vì không chịu nổi điều tiếng của dư luận.
Cách xử lý các tin tức giả mạo
Đối với fanpage chia sẻ các tin tức giả mạo, bạn hãy bấm vào biểu tượng "..." ở góc phải ảnh bìa và chọn Report page (báo cáo trang) > It's a scam (đó là một trang lừa đảo) > Hide all posts from... (ẩn tất cả bài viết từ...).
Báo cáo Facebook về các fanpage lừa đảo. Ảnh: TIỂU MINH
Để báo cáo Facebook một bài viết giả mạo, người dùng chỉ cần bấm vào biểu tượng "..." ở góc phải bài viết và chọn Report post (báo cáo bài viết) > I think it shouldn't be on Facebook (tôi nghĩ nó không nên xuất hiện trên Facebook).
Cách đơn giản để hạn chế các tin tức giả mạo. Ảnh: TIỂU MINH
Tiếp theo, bạn chọn Something else (lý do khác) > This advocates violence or harm to a person or animal (ảnh này ủng hộ hành động bạo lực, làm hại một người hoặc động vật) > Submit to Facebook for Review (báo cáo bài viết với Facebook).
Nếu cứ dễ dãi với bản thân, chia sẻ mọi thứ mà không hề suy nghĩ, biết đâu vào một ngày đẹp trời chính bạn, người thân hoặc bạn bè của bạn lại trở thành nạn nhân của nạn tin giả. Do đó, hãy thật sự tỉnh táo và kiểm chứng lại mọi thông tin trước khi chia sẻ bởi Google không hề tính phí!
Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết cho nhiều người cùng biết.