Camera ẩn trong khách sạn, nhà nghỉ… vốn là điều rất thường xảy ra. Mới đây, các nhà nghiên cứu ở Singapore đã phát triển thành công giải pháp phát hiện camera ẩn bằng cảm biến ToF trên điện thoại. Phương pháp này được gọi là LAPD (laser hỗ trợ phát hiện ảnh).
Cảm biến ToF là gì?
Chắc hẳn là bạn đã từng nghe nói đến thuật ngữ “cảm biến ToF” hay “camera ToF” trên điện thoại thông minh. Cảm biến này hỗ trợ người dùng mở khóa màn hình bằng khuôn mặt, nhận dạng cử chỉ hoặc tạo hiệu ứng bokeh yêu thích.
Để thực hiện các tác vụ này, điện thoại thông minh cần xem hình ảnh ba chiều để biết cái gì ở gần máy ảnh và cái gì ở xa hơn. Điều này được xử lý bởi ToF (viết tắt của Time-of-Flight), cảm biến phát ra chùm tia hồng ngoại và đo thời gian cần thiết để các tia phản xạ trở lại. Tất nhiên, thời gian này càng lâu thì đối tượng càng ở xa cảm biến.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy, ngoài các nhiệm vụ cơ bản kể trên, module ToF còn làm tốt công việc phát hiện camera ẩn nhờ tia hồng ngoại.
Vì các ứng dụng camera trên điện thoại thông minh có ToF được tạo cho các mục đích rất khác nhau, nên các nhà nghiên cứu phải phát triển một ứng dụng riêng biệt và bổ sung khả năng phát hiện camera ẩn.
Đầu tiên, họ đã thêm một hệ thống thông minh thông báo cho người dùng về phạm vi tối ưu để phát hiện camera. Nếu điện thoại thông minh ở quá gần đối tượng đáng ngờ, ánh sáng chói từ nó sẽ rất sáng và “làm bão hòa” cảm biến. Ngược lại, nếu thiết bị ở quá xa, ánh sáng chói sẽ quá yếu và cảm biến ToF sẽ không thể phát hiện camera.
Thứ hai, nhóm đã áp dụng một bộ lọc để sàng lọc các tín hiệu không liên quan, nhằm giúp người dùng phát hiện camera ẩn tốt hơn.
Cuối cùng, các chuyên gia đã áp dụng các bộ lọc có thể lập trình tự học để giảm hơn nữa tỉ lệ phát hiện sai. Thực tế là độ phân giải của cảm biến ToF rất thấp, chỉ 320×240 pixel. Vì lý do này, máy dò không dễ xác định chính xác kích thước, hình dạng và cường độ của ánh sáng chói, và chính những thông số này giúp phân biệt camera ẩn với các vật thể vô hại khác.
Các nhà nghiên cứu đã thực hiện một thí nghiệm để xác định mức độ hiệu quả của phương pháp này trong thực tế. Nghiên cứu có sự tham gia của 379 tình nguyện viên, những người được yêu cầu tìm camera quay lén theo 3 cách: bằng mắt thường, bằng máy soi chuyên dụng hiện có trên thị trường và với LAPD.
Họ có 30–60 giây để tìm kiếm, khoảng thời gian mà một khách du lịch trung bình sẵn sàng dành cho hoạt động này.
Phương pháp đầu tiên mang lại kết quả không ấn tượng. Chỉ 46% người tham gia có thể phát hiện camera ẩn chỉ bằng thị lực. Hơn nữa, có rất nhiều kết quả sai, trong 54,9% trường hợp, các tình nguyện viên đã chỉ vào những đồ vật hoặc địa điểm không chính xác.
Máy dò chuyên dụng cũng cho kết quả khiêm tốn: ở 2 chế độ quét khác nhau, chỉ có 62,3% và 57,7% người tham gia tìm thấy các camera ẩn. Tỉ lệ phát hiện sai khá cao, lần lượt là 26,9% và 35,2%.
Phương pháp LAPD hiệu quả nhất. Camera ẩn được tìm thấy trong 88,9% trường hợp. Ngay cả khi các nhà nghiên cứu thay đổi ánh sáng để khiến việc tìm kiếm trở nên khó khăn hơn, tỉ lệ phát hiện vẫn không giảm xuống dưới 77,8%. Tỉ lệ phát hiện sai cũng thấp, ở mức 16,67%.
Mặc dù kết quả thử nghiệm khá ấn tượng, nhưng ứng dụng giúp tận dụng cảm biến ToF để phát hiện camera ẩn vẫn sẽ chưa có sẵn trên App Store hoặc Google Play.
Theo chính các nhà nghiên cứu, các cảm biến ToF hiện đại vẫn thiếu độ phân giải và độ chính xác. Ngoài ra, không phải điện thoại thông minh nào cũng có cảm biến ToF, vì vậy cho đến khi thiết kế được cải thiện và các nhà sản xuất ra mắt camera mới, người dùng vẫn phải dựa vào các phương pháp truyền thống để phát hiện camera ẩn.
Trước đó không lâu, Kỷ Nguyên Số cũng đã có bài viết hướng dẫn bạn đọc cách phát hiện camera quay lén bằng điện thoại.
Cách phát hiện camera quay lén bằng điện thoại. Ảnh: TIỂU MINH |
Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết cho nhiều người cùng biết hoặc để lại bình luận khi gặp rắc rối trong quá trình sử dụng.