Chuyên gia chỉ cách để tránh bị lừa mượn tiền

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(PLO)- Dạo gần đây có một số bạn đọc phản ánh đến Kỷ Nguyên Số về việc nhận được tin nhắn mượn tiền trên Facebook, đặc biệt kẻ gian còn gửi tài khoản ngân hàng có tên giống với tên người bị hack.

Về cơ bản, hình thức lừa đảo nhắn tin mượn tiền qua Facebook, Zalo, Telegram… vốn không phải là mới. Tuy nhiên, kẻ gian ngày càng sử dụng nhiều chiêu trò tinh vi, khiến một số người chủ quan và sập bẫy của kẻ gian.

Chiêu trò nhái tên tài khoản để lừa đảo

Đầu tiên, kẻ gian sẽ thu thập thông tin cá nhân công khai của nạn nhân thông qua mạng xã hội hoặc mua dữ liệu từ các bên thứ ba. Sau đó họ sẽ tìm cách hack tài khoản Facebook, Zalo của nạn nhân.

Tiếp theo, kẻ gian sẽ tìm mua tài khoản ngân hàng hoặc làm giả giấy tờ (CMND/CCCD) để tạo tài khoản ngân hàng có tên trùng với tên của nạn nhân.

Kẻ lừa đảo cung cấp tài khoản ngân hàng trùng với tên của người bị hack để đánh lừa nạn nhân. Ảnh: TIỂU MINH

Kẻ lừa đảo cung cấp tài khoản ngân hàng trùng với tên của người bị hack để đánh lừa nạn nhân. Ảnh: TIỂU MINH

Khi nhắn tin mượn tiền không được, kẻ gian sẽ ngay lập tức chặn bạn hoặc thu hồi toàn bộ tin nhắn.

Hiện tại đa số các ngân hàng đều cho phép người dùng tạo tài khoản ngân hàng online, yêu cầu gương mặt xác thực phải trùng với hình ảnh trên CMND/CCCD. Tuy nhiên, vì bị áp lực về chỉ tiêu, nhiều nhân viên ngân hàng phải sử dụng mạng lưới cộng tác viên để có thêm khách hàng mới, dẫn đến việc không thẩm định thông tin kĩ càng.

Khi thử tìm kiếm dịch vụ ‘mở tài khoản ngân hàng theo tên’ trên Facebook hay Telegram, có không ít hội nhóm nhận làm việc này, bạn chỉ cần cung cấp tên, ảnh chụp CMND/CCCD 2 mặt và số điện thoại.

Các dịch vụ hỗ trợ mở tài khoản ngân hàng online nhiều khả năng đánh cắp thông tin cá nhân. Ảnh: TIỂU MINH

Các dịch vụ hỗ trợ mở tài khoản ngân hàng online nhiều khả năng đánh cắp thông tin cá nhân. Ảnh: TIỂU MINH

Theo anh Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC), kỹ sư tại trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng Quốc gia (NCSC - Bộ TT&TT), việc mua bán tài khoản ngân hàng theo tên rất dễ với giá chỉ từ 1-3 triệu đồng (tên ngân hàng gì cũng được). Các đối tượng sẽ làm giả giấy tờ và thực hiện mở tài khoản ngân hàng.

“Tôi đã thử mua tài khoản tên mình, vẫn xuất hiện, chỉ khác giới tính. Điều này có thể thấy việc giả mạo tên tài khoản ngân hàng rất dễ dàng. Người dùng bình thường sẽ khó phát hiện ra sự khác nhau giữa thông tin ngân hàng thật và thông tin mua bán, chỉ có ngân hàng mới tra soát được”, ông Hiếu chia sẻ thêm.

Đồng tình với quan điểm trên, anh Nguyễn Phạm Hoàng Huy - Chủ nhiệm bộ môn TMĐT (Cao đẳng FPT Polytechnic) nói rằng việc tạo tài khoản ngân hàng ảo, mua bán tài khoản trên mạng khá đơn giản, dễ dẫn đến các vụ lừa đảo giả mạo thông tin cá nhân.

Theo ghi nhận của PLO, đa số các dịch vụ hỗ trợ tạo tài khoản ngân hàng online đều sử dụng hình thức liên lạc thông qua Telegram (ứng dụng cho phép thu hồi tin nhắn mà không để lại dấu vết).

Bên cạnh đó, việc cung cấp quá nhiều thông tin cá nhân như ảnh chụp CMND/CCCD 2 mặt, số điện thoại, họ và tên… tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về bảo mật, có thể bị làm giả giấy tờ, vay nợ và bị hack tài khoản Facebook trong tương lai.

“Lừa đảo tài chính được ghi nhận là một hình thức lừa đảo phổ biến tại Đông Nam Á, chiếm tỉ lệ hơn 40% ở hầu hết các quốc gia trong khu vực này. Philippines là quốc gia có tỉ lệ tấn công tài chính cao nhất với 64,03%, tiếp theo là Thái Lan với 56,35%.

Trong khi đó, với 26,36%, Việt Nam có tỉ lệ bị tấn công tài chính thấp nhất so với các nước trong khu vực và thấp hơn nhiều so với tỉ lệ trung bình của Đông Nam Á (43,06%)”, ông Yeo Siang Tiong, Tổng Giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á cho biết.

Tỉ lệ ấn tượng này có thể là nhờ nỗ lực của Việt Nam trong việc nâng cao nhận thức về an ninh tài chính và dữ liệu trong bối cảnh gia tăng của ngân hàng di động và ví điện tử trong khu vực.

Chuyên gia chỉ cách để tránh bị lừa mượn tiền

Để tránh bị lừa mượn tiền, bạn đọc nên gọi videocall hoặc FaceTime ít nhất một phút, hoặc gọi qua số điện thoại cá nhân của người mượn. Kiểm tra bằng cách hỏi một số câu hỏi để nghe giọng nói đó là của người thật hay do AI tạo ra, ông Hiếu chia sẻ.

Trước khi chuyển khoản, chúng ta nên gọi điện trực tiếp để xác thực lại mọi thứ. Bạn đọc cũng không nên cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ ai, không cho mượn, cho thuê hoặc mua bán tài khoản ngân hàng, ông Huy cảnh báo thêm.

Bên cạnh đó, người dùng cũng nên truy cập vào trang cá nhân của tài khoản bị hack, bấm vào biểu tượng ba chấm và chọn Report (báo cáo) - Tài khoản giả mạo.

Báo cáo tài khoản Facebook bị hack và bị dùng để đi lừa đảo, nhắn tin mượn tiền. Ảnh: TIỂU MINH

Báo cáo tài khoản Facebook bị hack và bị dùng để đi lừa đảo, nhắn tin mượn tiền. Ảnh: TIỂU MINH

Hy vọng với những thông tin mà Kỷ Nguyên Số vừa cung cấp, bạn đọc sẽ nhận biết được chiêu trò lừa đảo của kẻ gian, cảnh giác hơn với những tin nhắn mượn tiền qua Facebook, Zalo, Telegram…

Trước đó không lâu, cơ quan công an tại một số tỉnh/thành phố đã bắt được nhóm đối tượng làm giả giấy tờ, tạo tài khoản ngân hàng để lừa đảo, rửa tiền, mạo danh người khác.

Đọc thêm