Lừa đảo ăn theo vụ tiếp viên hàng không nghi vận chuyển ma túy
Mới đây, lực lượng chức năng tại sân bay Tân Sơn Nhất đã phát hiện hành lý của 4 tiếp viên trên chuyến bay từ Paris về TP.HCM chứa hơn 10 kg nghi là chất ma túy, được cất giấu bên trong các tuýp kem đánh răng.
Sự việc này đã nhanh chóng gây bão trên mạng xã hội và nhận được nhiều sự quan tâm của người dùng. Lợi dụng tình hình, kẻ gian đã giăng bẫy người dùng bằng cách bình luận những nội dung, thông tin gây tò mò để lừa nạn nhân nhấp vào liên kết đính kèm. Ví dụ như “haizz xinh vậy mà…”, hay “Facebook em nó đây, tiếc cho một kiếp người…”
Liên kết lừa đảo bên dưới các bài đăng liên quan đến 4 tiếp viên hàng không. Ảnh: TIỂU MINH |
Theo thử nghiệm của người viết, những liên kết này đều được rút gọn, khi bấm vào người dùng sẽ được chuyển hướng đến các shop bán hàng online, hoặc trang web giả mạo ngân hàng, Facebook… yêu cầu đăng nhập tài khoản để xem tiếp nội dung.
Nhìn chung, kiểu lừa đảo này vốn không phải là mới, tuy nhiên nó đánh trúng tâm lý tò mò nên nhiều người vẫn trở thành nạn nhân của kẻ gian.
Theo anh Nguyễn Phạm Hoàng Huy - Chủ nhiệm bộ môn TMĐT (Cao đẳng FPT Polytechnic): “Khi bạn nhấp vào một liên kết lạ, kẻ gian có thể thu thập được token, cookie và chiếm quyền điều khiển Zalo, Facebook, xem trộm tin nhắn từ xa… hoặc chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng. Hình thức lừa đảo này vốn không phải là mới nhưng vẫn còn rất nhiều người bị lừa và trở thành nạn nhân của kẻ gian”.
Thông tin kẻ gian thu thập được bao gồm tên đăng nhập, mật khẩu, mã xác thực 2 lớp Facebook. Ảnh: TIỂU MINH |
Ngoài việc câu view, tăng lượt truy cập đến shop online… kẻ gian còn có thể phát tán phần mềm độc hại, phần mềm gián điệp khi người dùng nhấp vào liên kết.
Các nội dung đang hot trên mạng xã hội thường nhận được nhiều sự quan tâm, tò mò… Do đó, các bên lừa đảo sẽ phát tán nội dụng độc hại với tiêu đề hấp dẫn, tạo tính khơi gợi để nạn nhân nhấp vào và đánh cắp thông tin, hoặc tệ hơn là bị cài phần mềm theo dõi, từ đó mất quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng, Facebook, anh Huy chia sẻ thêm.
Ẩn hoặc báo cáo bình luận có chứa liên kết lừa đảo với Facebook. Ảnh: TIỂU MINH |
Khi phát hiện các liên kết lạ, rút gọn… hoặc nghi ngờ là lừa đảo, bạn hãy bấm vào biểu tượng ba chấm bên cạnh bình luận và chọn ẩn, hoặc báo cáo bình luận với Facebook.
Cần làm gì để tránh bị mất tài khoản ngân hàng, Facebook vì vụ tiếp viên hàng không?
- Không nhấp vào các liên kết lạ trên Facebook, tin nhắn Messenger kể cả khi chúng được gửi từ người quen, đặc biệt là những thông tin liên quan đến các vấn đề đang nóng trên mạng xã hội, thời sự.
- Kiểm tra tính an toàn của liên kết trước khi nhấp vào thông qua dịch vụ VirusTotal.
- Không đăng nhập tài khoản ngân hàng, Facebook… trên các trang web lạ.
- Tuyệt đối không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu các tài khoản quan trọng cho bất kỳ ai, kể cả khi người đó tự xưng là cán bộ nhà nước, tòa án…
Hy vọng với những thông tin mà Kỷ Nguyên Số vừa cung cấp, bạn đọc sẽ biết cách nhận biết các chiêu lừa và cảnh giác hơn khi sử dụng mạng xã hội.
Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết cho nhiều người cùng biết hoặc để lại bình luận khi gặp rắc rối trong quá trình sử dụng.