Theo Reuters, giám đốc và tám nhân viên của công ty Toptec bị cáo buộc đã tiếp cận Samsung Display và thu thập thông tin bản vẽ, công nghệ màn hình cong, sau đó bán lại cho công ty đối thủ ở Trung Quốc với giá 15,5 tỉ won (khoảng 13,8 triệu USD).
Bạn đọc quan tâm có thể tham khảo thêm bài viết Danh sách các ứng dụng Trung Quốc nên gỡ bỏ khỏi điện thoại tại địa chỉ http://bit.ly/apps-tq.
Phản hồi lại những cáo buộc trên, Toptec cho biết: “Công ty chúng tôi không bao giờ cung cấp công nghệ của Samsung Display hay bí mật kinh doanh cho các khách hàng Trung Quốc. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác và tuân thủ các thủ tục tố tụng pháp lý để tìm ra sự thật tại tòa án”.
Ngay sau khi báo cáo được công bố, cổ phiếu của Toptec đã giảm 20%.
Trong một tuyên bố, Samsung Display cho biết họ bị sốc trước kết quả điều tra của các công tố viên khi những đối thủ cạnh tranh phát triển ngày càng nhanh. Công ty lấy làm tiếc về sự cố kể trên và sẽ nỗ lực để bảo vệ công nghệ, bí mật kinh doanh tốt hơn.
Các công tố viên cho biết Samsung Display đã đầu tư khoảng 150 tỉ won trong hơn 6 năm để phát triển công nghệ màn hình, mà họ gọi đó là “công nghệ cốt lõi quốc gia”. Tương tự, Trung Quốc cũng đang đầu tư hàng tỉ USD để có thể tự sản xuất chip bộ nhớ, màn hình… hai lĩnh vực mà Samsung đang dẫn đầu thế giới. Màn hình cong OLED đã trở thành một trong những điểm nhấn trên các sản phẩm của Samsung, trong đó có Note 9.
Samsung hiện đang thống trị thị trường màn hình OLED nhỏ và vừa và là nhà cung cấp của Apple. Vấn đề trộm cắp bí mật kinh doanh hiện đang là mối quan tâm lớn tại Hàn Quốc cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới. Từ trước đến nay, việc hacker, kỹ sư, công ty Trung Quốc đánh cắp bí mật công nghệ của các nước khác vốn chẳng phải là điều mới mẻ.
Hồi đầu năm nay, một cựu kĩ sư của Apple đã bị bắt tại Mỹ về tội đánh cắp bí mật xe không người lái. Đầu tháng 11-2018, công ty Fujian Jinhua Integrated Circuit (Trung Quốc) và United Microelectronics của Đài Loan bị truy tố về tội âm mưu ăn cắp bí mật thương mại của Micron.
Tháng 8-2018, Xiaoqing Zheng (56 tuổi), một kỹ sư người Mỹ gốc Hoa đã bị FBI cáo buộc ăn cắp bí mật thương mại về công nghệ tuabin cho các công ty Trung Quốc. Zheng đã sử dụng “các phương tiện tinh vi” để lấy cắp dữ liệu từ các phòng thí nghiệm bí mật của Công ty General Electric (GE). Sau đó, ông đã gửi các tập tin này từ email công ty sang tài khoản cá nhân.
Zheng được General Electric thuê làm kỹ sư chính vào năm 2008 và ông cũng mở một công ty riêng tại Trung Quốc vào năm 2015. GE bắt đầu theo dõi máy tính của Zheng sau khi phát hiện ông sử dụng USB để lấy ít nhất 19.020 tập tin dữ liệu. Sau một cuộc điều tra kéo dài bốn năm, FBI đã bắt giữ Zheng sau khi khám xét nhà ông, họ tịch thu hộ chiếu và tìm thấy một số thứ quan trọng như cuốn sổ tay ghi chú các công ty được cung cấp dữ liệu. Theo ghi nhận, Zheng đã đến Trung Quốc năm lần trong hai năm qua.
Vụ bắt giữ của Zheng xảy ra khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng cường cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh, phần lớn là những lời than phiền rằng Trung Quốc đánh cắp công nghệ của Mỹ hoặc buộc các công ty Mỹ phải chia sẻ bí quyết để đổi lấy việc kinh doanh trong nước.
Trump đã áp đặt trừng phạt thuế quan đối với hàng chục tỉ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và có kế hoạch tăng thêm áp lực lên Bắc Kinh để hạn chế nạn gián điệp công nghiệp.
Các nhà điều tra Mỹ cho rằng Zheng có thể đã bắt đầu ăn cắp hàng ngàn tập tin chứa bí mật công nghiệp của GE từ năm 2014. Hành vi trộm cắp bí mật thương mại có thể khiến Zheng phải đối mặt với án tù tối đa là 10 năm và đóng tiền phạt 250.000 USD cũng như bị giám sát ba năm liên tục.
Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết trên Kynguyenso.plo.vn cho nhiều người cùng biết.