Ironpants đã thay thế Flappy Bird trở thành ứng dụng ăn khách nhất App Store |
Đó có thể là các site torrent chia sẻ file, là chợ eBay nơi những chiếc iPhone cài sẵn Flappy Bird đang được rao giá tới 99.999 USD, cũng như trong tuyên bố của Nintendo phủ nhận việc họ có ý định kiện Đông.
Nhưng rõ ràng, sự vắng bóng của phiên bản Flappy Bird chính thức đã khiến cho rất nhiều game đối thủ - đa số là game nhái với hình thức giống bản gốc y hệt - vô tình hưởng lợi. Những game này đang tràn ngập bảng xếp hạng của cả App Store lẫn Google Play.
Tại các vị trí số 1, 2, 5 và 20 trên iTunes đang là những tựa game ăn theo Flappy Bird như "Fly Birdie", "Ironpants", "Flappy Bee" và "Flappy Plane". Đó chỉ mới là 4 trò lọt được vào bảng xếp hạng sau sự ra đi đột ngột của Flappy Bird mà thôi. Việc tìm kiếm theo từ khóa Flappy trên App Store sẽ hiển thị tới 81 ứng dụng các loại - tính tới thời điểm này. Chắc chắn con số sẽ không dừng lại ở đó vì sự quan tâm mà dư luận dành cho Flappy Bird vẫn còn rất lớn.
Các số liệu thống kê đều cho thấy sự tăng trưởng ấn tượng của các game nhái và chúng đều là sự thành công "tự nhiên", giống như Flappy Bird, chứ không phải do sự tác động của bots và download trả tiền.
Trên quầy ứng dụng Google Play, "IronPants" cũng đã leo lên được vị trí số 11 còn Clumsy Bird đứng ở vị trí số 19.
Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu cơn ám ảnh về Flappy Bird sẽ kéo dài trong bao lâu? Liệu thành công của chú chim "mặt ngu" trên App Store có phản ánh chính xác sự hứng thú mà người dùng dành cho các tựa game di động cơ bản hay không? Có lẽ chỉ thời gian mới có thể đưa ra đáp án, nhưng điều đáng nhấn mạnh là Flappy Bird đã chạm được vào một bộ phận người dùng smartphone trước đây vẫn bị giới game thờ ơ: trẻ em.
Khi Đông trò chuyện với TechCrunch hồi tuần trước, anh có thừa nhận rằng bản thân không hề biết ứng dụng của mình lại trở nên phổ biến, nhất là trong khối trẻ em, như vậy. "Hầu hết người chơi của tôi là học sinh", Đông nói.
Trang TechCrunch cho rằng, Flappy Bird là bom tấn đầu tiên thực sự chinh phục chốn sân trường, thay vì chỉ được ưa chuộng trong giới sinh viên đại học như các game di động khác. "Ra đi nhưng không bị lãng quên", trang này đã kết luận như vậy về tựa game của Nguyễn Hà Đông.
Theo Y Lam (VNN)