Viện nghiên cứu Nhân chủng học của ĐH California vừa công bố công trình nghiên cứu cho thấy nếu các mạng xã hội được trao vào tay những người trẻ có nhiệt huyết, họ sẽ biến chúng thành những công cụ rất có ích và xuất hiện xu hướng tự biến mình thành những công dân có trách nhiệm cao với xã hội, với “các vấn đề liên quan đến chính trị và công dân”, với chính phủ của quốc gia đó.
Kết quả nghiên cứu này hoàn toàn trái ngược với quan niệm bấy lâu nay rằng các mạng xã hội như Twitter, Facebook, MySpace chỉ khiến cho lớp công dân trẻ tuổi trở nên thụ động, chậm chạm, kém sáng tạo và quen thói ỷ lại.
“Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, rất nhiều người trẻ tuổi đang dần dần tách mình ra khỏi cách tiếp cận truyền thống đối với đời sống chính trị - xã hội nhưng lại tỏ ra đặc biệt gắn bó và có trách nhiệm với đời sống này thông qua các phương tiện truyền thông kỹ thuật số. Công trình nghiên cứu của chúng tôi cũng là bằng chứng cho thấy có rất nhiều cách để xây dựng mối quan hệ Nhà nước - công dân thông qua truyền thông kỹ thuật số”, giáo sư Joe Kahne, tác giả của công trình nghiên cứu này nói.
Để thực hiện công trình, nhóm nghiên cứu đã khảo sát hơn 2.500 người trẻ tuổi (học sinh trung học) với tổng thời gian truy cập Internet lên tới 400 năm và cách thức họ sử dụng blog, mạng xã hội để chia sẻ những suy nghĩ, sử dụng Internet để thực hiện việc tìm hiểu, nghiên cứu về một đề tài nào đó và cách thức họ sử dụng e-mail để liên lạc với các tổ chức xã hội, chính phủ… Cùng với việc gia tăng các hoạt động tình nguyện, Internet còn giúp những người thuộc nhóm tuổi này hình thành những tư tưởng “rất nghiêm túc về cuộc sống”.
“Việc trở thành một phần của một cộng đồng mạng có sự gắn kết về lợi ích sẽ giúp cho “tầm nhìn” về các vấn đề xã hội - chính trị của những người trẻ tuổi được mở rộng đáng kể và từ đó họ trở nên có trách nhiệm hơn với đất nước”, giáo sư Kahne kết luận.
Theo Lê Trí (ICTnews / Digital Trends)