Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) cũng quyết định chấm dứt cuộc chiến pháp lý với Apple sau khi họ đã mở khóa thành công chiếc iPhone của tên khủng bố Syed Rizwan Farook. Trước đó, chính phủ Mỹ đã kiện Apple vì họ từ chối giúp FBI mở khóa chiếc iPhone của tên khủng bố.
Chính phủ Mỹ xác nhận rằng họ đã có được dữ liệu trong chiếc điện thoại iPhone của Syed Rizwan Farook, kẻ xả súng trong vụ tấn công tại San Bernardino, Carlifornia làm 14 người chết.
Dù cuộc chiến pháp lý giữa chính phủ Mỹ với Apple tạm kết thúc nhưng CEO Tim Cook lại đối mặt với một vấn đề mới là khả năng bảo mật của iPhone.
"Chính phủ đã truy cập thành công và lấy được dữ liệu lưu trữ trên iPhone của Farook. Do đó, chúng tôi không còn nhờ tòa án buộc Apple hỗ trợ nữa", bản báo cáo mới nhất của chính phủ Mỹ tuyên bố.
FBI quyết định chấm dứt cuộc chiến pháp lý với Apple khi họ thử một phương pháp khác để mở khóa chiếc iPhone và đã thành công. Tuy nhiên, các chuyên gia an ninh không biết chính xác đó là phương pháp gì.
Bây giờ, câu hỏi lớn đặt ra là "Cái gì đã có trong điện thoại kia?" Và một câu hỏi khác: "Trường hợp này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự hợp tác giữa chính phủ với các công ty công nghệ trong tương lai?".
Đây không phải sự kết thúc mối quan hệ căng thẳng giữa các cơ quan thực thi pháp luật (trong trường hợp này là chính phủ Mỹ) và các công ty (Apple) đang bảo vệ quyền riêng tư cho khách hàng của mình.
Bộ Tư pháp Mỹ đã thất bại trong việc tạo ra một tiền lệ. Trong hồ sơ kiện Apple, chính phủ Mỹ đã nhấn mạnh rằng họ đúng về mặt luật pháp khi buộc Apple giúp đỡ mở khóa chiếc iPhone. Sự hỗ trợ này là điều bắt buộc với Apple.
Với việc bẻ khóa thành công chiếc iPhone, chính phủ Mỹ cũng quyết định rút đơn kiện Apple vì không muốn mâu thuẫn đi xa hơn. Đây cũng là cách kéo chính phủ Mỹ và Apple ra khỏi cuộc xung đột pháp lý.
Chính phủ Mỹ đã đạt được mục đích là dữ liệu trong chiếc iPhone 5C của tên khủng bố. Apple cũng thể hiện mình luôn bảo vệ quyền riêng tư cho người dùng của mình. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khả năng bảo mật của Apple thế nào mà để chính phủ Mỹ có thể bẻ khóa thành công chiếc iPhone của họ. Vì thế, dù chính phủ Mỹ đã rút đơn kiện nhưng đây cũng chỉ là sự "xoa dịu" tạm thời giữa các bên.