Năm 2012 đã chứng kiến Facebook đạt tốc độ tăng trưởng vượt bậc và chính thức qua mặt Zing Me để trở thành mạng xã hội số 1 Việt Nam. Ảnh: Internet.
Facebook chính thức qua mặt Zing Me về lượng thành viên
Theo số liệu từ Com Score ngày 12/9/2012, thống kế số lượt truy cập của Facebook và Zing Me từ tháng 1/2011 cho đến tháng 7/2012 cho thấy, trước khi chính thức qua mặt Zing Me vào tháng 6/2012, Facebook đã từng đứng ở vị trí số 1 vào tháng 12/2011. Cùng với Com Score, thống kê nghiên cứu từ WeAreSocial về thị trường Internet Việt Nam cũng cho rằng, tính đến tháng 10/2012, với 8,5 triệu thành viên, Facebook đã vượt qua Zing Me (8,2 triệu thành viên) để trở thành mạng xã hội có nhiều người dùng nhất Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng theo thống kê của WeAreSocial, tính trên toàn thế giới, Việt Nam là quốc gia tăng trưởng nhanh nhất của Facebook, với tốc độ 146% trong 6 tháng vừa qua, trong đó số người dùng Facebook ở Việt Nam đã tăng hơn 500.000 chỉ trong 2 tuần vừa qua (trung bình cứ 3 giây thì Facebook có một người dùng Việt Nam mới). |
Vì vậy, Go.vn đã chuyển hướng từ một mạng xã hội dựa trên tính kết nối bạn bè như Facebook sang mạng xã hội dựa chủ yếu vào nội dung như giáo dục, phim, nhạc, truyền hình. Từ đó, Go.vn có thể "sống chung" và không cạnh tranh trực tiếp với Facebook. Bởi vì, người dùng có thể vào Facebook để kết nối, cập nhật thông tin về bạn bè nhưng vẫn có thể truy cập Go.vn để sử dụng các dịch vụ nội dung phù hợp hay chia sẻ quan điểm với những người bạn xoay quanh nội dung trên Go.vn.
Chia sẻ trên Blog cá nhân, ông Lê Hồng Minh, Tổng Giám đốc VNG cho rằng, với VNG, việc Facebook vượt qua Zing Me đã được tiên đoán từ cách đây 2 năm. Vì vậy, trong năm 2012, khi Zing Me trở thành "mạng xã hội số 2” thì lại cảm thấy vui hơn vì Zing Me giờ đây đã không còn bị áp lực bởi vị trí số 1 và sẽ thoải mái tinh thần làm hết sức mình. Bên cạnh đó, sau 3 năm, với rất nhiều thay đổi và “bầm dập”, nhóm phát triển Zing Me giờ đây đã trưởng thành hơn và đang tập trung hết sức vào những gì mình cần phải làm, tạo ra giá trị từ sự khác biệt và bản địa hóa, một chiến lược duy nhất để Zing Me có thể tồn tại và phục vụ được hàng triệu khách hàng của mình.
Trao đổi với phóng viên ICTnews, đại diện VNG cho biết, định hướng quan trọng của Zing Me từ năm 2012 là dần trở thành một user platform, trong đó người dùng, đối tác thứ ba có mối quan hệ cộng sinh với nhau và Zing Me đóng vai trò trung gian.
Năm 2013, thị trường mạng xã hội trên di động sẽ rất "nóng"
Cũng theo ông Tuấn, trong năm 2012, bên cạnh sự phát triển về số lượng người dùng smartphone tại Việt Nam, việc suy thoái kinh tế cũng là nguyên nhân khiến cho người dùng dần chuyển sang sử dụng các ứng dụng nhắn tin miễn phí qua mạng Internet (ứng dụng OTT) như Facebook Messenger, Line, Kakao Talk, Zalo... thay cho dịch vụ SMS truyền thống. Thời gian tới, VTC Online cũng sẽ chính thức tham chiến thị trường ứng dụng nhắn tin qua Internet.
Đại diện VNG cho rằng, trong năm 2012, bên cạnh việc hoàn thiện hơn ứng dụng Zing Me trên iOS, Android và các nền tảng khác (hiện Zing Me có khoảng 2 triệu người dùng sản phẩm của mình trên mobile mỗi tháng), VNG đã dồn mọi tâm huyết việc phát triển Zalo, ứng dụng nhắn tin miễn phí qua Internet của mình. "Trước đó, VNG xác định ứng dụng Zalo sẽ giống như một phiên bản mạng xã hội trên di động của Zing Me. Sau đó, chúng tôi đã xác định lại hướng phát triển của Zalo và tách ứng dụng này độc lập với Zing Me", vị đại diện này nhấn mạnh.
Một chuyên gia trong lĩnh vực di động cho rằng, bản chất các phần mềm như WhatsApp, Viber, WeChat... là các mạng xã hội trên di động chứ không phải đơn thuần chỉ là một phương tiện để nhắn tin, gọi điện miễn phí qua mạng Internet. Do đó, nếu để các doanh nghiệp Việt Nam đấu “tay bo” thì với tiềm lực tài chính rất lớn, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ lại chiếm vị trí áp đảo như câu chuyện mạng xã hội Facebook với Zing Me, Go.vn và cơ quan chức năng lại vất vả để tìm cách quản lí. Chính vì thế, để đảm bảo an ninh và tránh rủi ro, cơ quan quản lí có thể đưa ra chính sách hỗ trợ cho các ứng dụng OTT trong nước để đối trọng, cạnh tranh với các phần mềm nước ngoài khi mà các doanh nghiệp nội địa có thể đưa ra những phần mềm với chất lượng tương đương.
Theo Nguyễn Khiêm (ICTnews)