Mới đây, Reuters đưa tin Facebook và Google đang tiến hành riêng các cuộc đàm phán hợp tác với Skype sau khi công ty điện thoại Internet này này hoãn việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Có thể họ sẽ mua hãng dịch vụ điện thoại Internet này, hoặc thành lập liên doanh.
Om Malik đã chỉ ra một số lý do đưa đẩy Microsoft “nhảy” vào cuộc chiến tranh giành Skype với Google và Facebook. Skype sẽ mang lại cho Microsoft một bệ phóng, đặc biệt là trong ngành công nghiệp di động. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là Skype cũng sẽ được hưởng lợi từ một thỏa thuận với Microsoft vì một trong những thế mạnh của Microsoft là bán phần mềm và các dịch vụ cho đối tượng khách hàng doanh nghiệp - một lĩnh vực mà Skype luôn có những tham vọng lớn.
Từ lâu Microsoft luôn chú trọng tập trung vào lĩnh vực này và họ đã đạt được những bước tiến lớn thông qua nền tảng truyền thông hợp nhất của mình mang tên Lync. Microsoft Lync kết hợp việc nhắn tin tức thời, hội nghị truyền hình, gọi thoại và các tính năng khác. Microsoft cho biết Lync đã đạt được mức tăng trưởng tới 30% trong quý gần đây nhất. Đây là con số thể hiện sức mạnh tổng thể của Microsoft Business Division, Bộ phận kinh doanh của Microsoft.
Trên thực tế, Skype và Microsoft sẽ bổ sung lẫn nhau. Một mối quan hệ đối tác với Microsoft có thể giúp Skype thâm nhập được vào thị trường doanh nghiệp. Đồng thời, Skype có thể giúp Microsoft mở rộng tầm ảnh hưởng của hãng này trong lĩnh vực truyền thông Internet thông qua sức mạnh thương hiệu Skype vốn đã tồn tại trong lòng người tiêu dùng.
Một động cơ khác thúc đẩy Microsoft ý định có được Skype đó là: giữ Skype ra khỏi bàn tay Google, một trong những đối thủ sừng sỏ của Microsoft.
Thêm một thông tin đáng quan tâm nữa là David Gurle, phó chủ tịch phụ trích mảng Skype Enterprise trước đây đã từng làm việc trong nhóm cộng tác và truyền thông thời gian thực của Microsoft.
Theo Võ Hiền (Dân trí / Geekwire)