Theo quy định mới thì trong phạm vi 2km quanh trường học ở Hà Nội sẽ không có một đại lý Internet nào.
Nâng khoảng cách đại lý Internet cách trường học lên 500m
Tháng 5/2010, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 15/2010/QĐ-UBND ban hành “Quy định quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet tại các đại lý Internet trên địa bàn TP Hà Nội". Theo đó, một trong những điều kiện đối với đại lý Internet hoạt động trên địa bàn Thủ đô là: có địa điểm cung cấp dịch vụ cách cổng ra vào của các trường học (từ mẫu giáo đến THPT) tối thiểu 200m.
Kể từ khi thực hiện Quyết định này từ giữa năm 2010 đến nay, Sở TT&TT Hà Nội đã yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) trên địa bàn Hà Nội cắt đường truyền Internet của hơn 550 đại lý Internet gần trường học dưới 200m. Chưa dừng lại ở đó, trong nửa đầu năm 2011, Sở TT&TT TP Hà Nội đã tổ chức 6 đoàn thanh tra thực hiện thanh, kiểm tra 28 đại lý Internet ở 6 quận, huyện: Hai Bà Trưng, Đống Đa, Từ Liêm, Gia Lâm, Mê Linh và Ứng Hòa. Đoàn thanh tra đã xử phạt vi phạm hành chính các đại lý với tổng số tiền phạt 13,5 triệu đồng.
Trước đó, quy định trách nhiệm của đại lý Internet đã có tại Khoản 3 Điều 11 Thông tư liên tịch số 60/2006/TTLT-BVHTT-BBCVT-BCA về Quản lý trò chơi trực tuyến (game onlines) ngày 1/6/2006, “Chỉ được cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến ở các địa điểm cách cổng ra vào của các trường học (từ mẫu giáo đến trung học phổ thông) tối thiểu 200m, không phân biệt trường đó thuộc địa phương nào".
Tuy nhiên, mới đây, theo Điều 29 của Dự thảo 3 của Nghị định 97 mới về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và nội dung thông tin trên mạng đối với việc cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến công cộng, tổ chức, cá nhân chỉ được cấp giấy chứng nhận khi có đủ các điều kiện như: Địa điểm cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến cách cổng các trường tiểu học, THCS, THPT từ 500m trở lên; Tổng diện tích các phòng máy tối thiểu 50m2 và bố trí tổi thiểu 1m2 trên một máy tính hay phù hợp với quy hoạch điểm cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến công cộng của chính quyền địa phương.
Như vậy, so với những quy định cũ, khoảng cách từ cổng trường học cho đến đại lý Internet đã được nâng từ 200m lên thành 500m.
Dự kiến, Dự thảo sẽ được trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cuối tháng 6/2012.
Còn rất ít đại lý Internet đáp ứng đủ yêu cầu
Đại diện Thanh tra Bộ TT&TT cho biết, do kinh doanh đại lý Internet hiện nay đa số đều thuộc diện "2 trong 1", cung cấp cả dịch vụ Internet và game online nên nếu áp dụng quy định trong Dự thảo thì tại một khu vực rộng lớn sẽ không có một đại lý Internet. Ví dụ, lấy cổng trường làm tâm, bán kính 500m thì sẽ vẽ ra một vòng tròn có đường kính 1 km. Do ở Hà Nội, các trường học có mật độ khá dày đặc nên nếu giả sử có 1 trường ở cạnh đó thì vô tình trung bình trong phạm vi 2 km sẽ không có bất kỳ một đại lý Internet nào được phép hoạt động.
"Tất nhiên, khoảng cách thực tế có thể giảm đi hoặc tăng lên so với con số 2km", đại diện Thanh tra Bộ TT&TT cho biết thêm.
Số lượng đại lý Internet trên địa bàn giảm đi rất lớn sẽ làm ảnh hưởng đến cả đời sống người dân lẫn các nhà cung cấp dịch vụ, thậm chí một số tuyến phố nổi tiếng về game online như Lê Thanh Nghị nhiều khả năng nằm trong "vùng nguy hiểm" của việc điều chỉnh lần này và có thể đứng trước nguy cơ bị "xóa sổ". Chính vì thế, đại diện Thanh tra Bộ kiến nghị thay vì tăng khoảng cách từ cổng trường học lên 2,5 lần (từ 200m lên 500m) như trong Dự thảo thì chỉ tăng lên khoảng 300m.
Còn đại diện Sở TT&TT Hà Nội lại đồng ý với quy định đại lý Internet cách trường học 500m của Dự thảo nhưng "nên cách cổng chính 500m vì một trường có thể có rất nhiều cổng như cổng chính, cổng phụ...".
Bên cạnh đó, xu hướng quản lý đại lý Internet là đưa vào các khách sạn, nhà hàng hay địa điểm cộng cộng... nên điều kiện đại lý Internet có diện tích 50m2 sẽ không thể "đánh đuổi" các đại lý Internet "sập xệ" ở cổng trường học. "Nên đưa tổng diện tích các phòng máy tối thiểu lên hẳn 60m2 hay 80m2 để đảm bảo an toàn cho người chơi", đại diện Sở TT&TT Hà Nội khẳng định.
Theo Thế Phương (ICTnews)