Có một chuyện kể một anh chàng đang ngồi trong quán uống bia “có gác tay” với nhóm bạn thì cô vợ gọi điện thoại kiểm tra. Anh ta nói với vợ là mình đi dự sinh nhật bạn bè. Cô vợ bèn kêu chồng chụp một tấm ảnh selfie gửi ngay về. Anh chồng trớ là nơi này mạng Wi-Fi yếu mà sóng 3G lại chập chờn. Cô vợ chẳng phải dạng vừa đã yêu cầu cứ chụp đi, lát về nhà cho cô coi sau. Vậy là bia trở nên đắng nghét!
Bí mật cá nhân và công nghệ
Chức năng GPS cũng giống con dao hai lưỡi lạy ông con ở bụi này. Cũng có người chụp ảnh selfie hay viết status rồi post lên Facebook mà mất cảnh giác để cho nó hiển thị luôn vị trí đang có mặt mà đó lại là nơi “nhạy cảm” sống để bụng, chết mang theo.
Có lần tôi đọc trên báo New Straits Times của Malaysia thông tin về một gia đình suýt tan nhà nát cửa vì một tấm ảnh phạt nguội của cảnh sát giao thông. Người vợ ở nhà nhận được giấy phạt anh chồng chạy xe vượt đèn đỏ có kèm theo ảnh chụp chứng cứ với đầy đủ ngày giờ và nơi vi phạm. Vấn đề nằm ở chỗ bữa đó vợ nhờ chồng chở đi công việc nhưng anh ta thoái thác nói là công ty có cuộc họp, rồi bây giờ nhìn trong ảnh giám sát giao thông thấy chồng đang chở một phụ nữ.
Các phương tiện truyền thông lâu nay vẫn thường xuyên đưa tin những vụ nhân viên công quyền vòi vĩnh, đòi hay nhận hối lộ bị người ta bí mật ghi âm, ghi hình làm chứng cứ vô phương chối bỏ. Theo BLTTHS sửa đổi, bổ sung năm 2011, nội dung ghi âm, thu hình được có thể dùng làm chứng cứ tại tòa nếu như hội đủ một số điều kiện. Còn nếu không thì nó vẫn làm một tư liệu tham khảo “nguy hiểm” để đấu tranh với đối tượng. Không hiếm chuyện ai làm chuyện gì đó ở bất cứ nơi đâu bị chụp ảnh đưa lên mạng. Truyền thông từng lên cơn sốt nóng với hình ảnh chụp một cô ca sĩ cũng có tên tuổi ở trên máy bay đã dùng túi nôn dành cho hành khách để cho con trai “xả nước”.
Công nghệ phát triển khiến đời tư của con người dễ bị xâm phạm hơn bao giờ hết. Ảnh: INTERNET
Những thám tử “tàng hình”
Có một dạo, tại nhiều cửa hàng máy tính, linh kiện ở Việt Nam bán đầy những cây viết có cả chức năng ghi âm, quay phim bí mật. Máy ghi âm, máy ghi hình nhỏ tới mức có thể được giấu ở bất cứ đâu hay tích hợp những món đồ dùng, đồ trang sức. Thậm chí bây giờ chỉ cần một chiếc điện thoại di động là người ta có thể mặc sức mà ghi âm, ghi hình mọi thứ chung quanh mình. Có thể nói rằng bất cứ ai cũng có thể trở thành một thám tử Sơ-lốc Hôm (Sherlock Holmes). Tình hình càng tệ hại hơn khi giữa thời của mạng truyền thông xã hội chi phối mọi ngõ ngách cuộc sống trên toàn cầu, ai cũng có thể trở thành những người đưa tin, những “nhà báo công dân” (theo cách gọi nghiêm túc).
Bạn cứ truy cập vào dịch vụ Google Maps đi rồi dùng tính năng Street View để xem những hình ảnh được hệ thống máy ảnh 360 độ của Google ghi được thì sẽ thấy có những người tình cờ lọt vào ống kính với những tư thế, hành vi thiệt là “khó đỡ”. Trên Internet, người ta không khó tìm thấy những tấm ảnh gọi là ảnh webcam của những kẻ đầu óc “có vấn đề” canh me rình chụp ảnh những khoảnh khắc hớ hênh của phụ nữ rồi tung lên mạng.
Bạn phải làm gì khi phải chung sống giữa vô vàn thám tử Sơ-lốc Hôm như vậy? Tất nhiên, về lý thuyết, khi hình ảnh của mình bị chụp và phát tán với động cơ xấu gây tổn hại cho mình, bạn có thể thưa kiện. Còn trong thực tế thì với hình ảnh phát tán trên mạng, bạn biết kiện ai đây? Bởi vậy, thôi thì hễ ra khỏi nhà là hãy luôn dặn mình phải ý tứ trong từng lời nói và việc làm. Tự nhiên ở đây lại phát sinh ra những yếu tố tích cực là nguy cơ ghi âm, ghi hình lén làm cho người ta trở nên tốt hơn, sống chừng mực hơn. Sáng sớm đi làm, sếp tổng ở nhà chỉ cần nhắc tía sắp nhỏ: “Coi chừng bị ghi hình, ghi âm lên “phây””.
Thiết bị có khả năng quay lén bị cấm Vì tính riêng tư nên thiết bị bay điều khiển từ xa (drone) ở nhiều nước bị thắt chặt kiểm soát vì người ta lo ngại chúng bị kẻ xấu lợi dụng để chụp ảnh, quay phim lén. Ngay cả loại kính thông minh Google Glass từng là hàng công nghệ thời thượng cực "hot" cũng vấp phải sự phản đối vì chúng quá dễ dàng xâm phạm đời tư người khác. Thậm chí có nước bắt buộc máy ảnh trên smartphone khi chụp ảnh phải phát ra tiếng động để cảnh báo cho ai đó “hình như tui mới bị chụp ảnh”. |